“Brexit” và hệ lụy đối với kinh tế Việt Nam

06:43' - 19/08/2016
BNEWS Với Việt Nam, Brexit đã, đang và sẽ có những tác động tới nền kinh tế theo cả 3 kênh thị trường tài chính, thương mại và đầu tư FDI.
Sự kiện Brexit tạo ra một số hệ lụy với kinh tế Việt Nam. Ảnh: truewealthpublishing.asia

Suốt thời gian qua, cả thế giới hướng về nước Anh dõi theo sự kiện “Brexit” - từ ghép của “Britain” (nước Anh) và exit (thoát ra).

Khác với cuộc trưng cầu dân ý thực hiện năm 1975, với hơn 67% cử tri Anh đã bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại EEC, kết quả lấy ý kiến ngày 23/6/2016 với 51,9% cử tri Anh nghiêng về lựa chọn Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).

“Brexit” là một cú sốc thực sự về tâm lý và thực tiễn đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa  với nhiều thông điệp và hệ lụy hai chiều cho nước Anh, toàn cầu và Việt Nam.

Về thị trường tài chính Việt Nam, thị trường chứng khoán và tỷ giá đồng USD đã có biến động rõ rệt ngay sau kết quả bỏ phiếu “Brexits” ngày 23/6 đã khiến giá USD tại Việt Nam tăng lên 80 đồng, lên mức 22.380 đồng/USD trên cả thị trường liên ngân hàng, cũng như trên thị trường tự do.

Trong sáng ngày 24/6, giá vàng SJC đạt  35 – 35,3 triệu đồng/lượng vào hồi 11 giờ cao hơn khi mở cửa tới 1,5 triệu đồng, là giá cao nhất của thị trường vàng trong nước 10 tháng qua và đạt mức kỷ lục tới 65 lần điều chỉnh giá trên bảng điện tử.

Về đầu tư, hiện nước Anh có khoảng 222 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng kí 4,4 tỷ USD, xếp thứ 15 trong 105 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư của Anh tập trung vào bất động sản và chế biến. “Hậu Brexit” mà khiến nền kinh tế Anh giảm sút sẽ kéo theo sụt giảm dòng FDI vào Việt Nam trong những lĩnh vực mà nhà đầu tư Anh có khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ.

Brexit ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam vào EU và Anh. Ảnh: Báo Công thương

Về thương mại, hiện xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chiếm 3%, nhập khẩu khoảng 1% tổng giá trị kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép (CAGR) gần 17% trong giai đoạn 2008 – 2015, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU.

Trong năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu sang Anh của Việt Nam chiếm khoảng 2,9% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Việt Nam cũng luôn duy trì mức xuất siêu vào Anh. Năm 2015, Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 3,9 tỷ USD và riêng 5 tháng đầu năm 2016 con số  này là 1,7 tỷ USD.

Gần 47% hàng nhập khẩu của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác; tiếp theo đó là hàng dệt may, giày dép và các sản phẩm gỗ. Nhập khẩu từ Anh chiếm khoảng 4% tổng nhập khẩu vào Việt Nam.

Đồng bảng Anh mất giá, Euro mất giá, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp cả về suy giảm sức cạnh tranh, tổng giá trị và lợi nhuận từ xuất khẩu, cũng như có thể có nguy cơ sụt giảm số lượng do thu hẹp cầu nhập khẩu từ người dân Anh trước sức ép giảm thu nhập tương lai.

Đồng bảng Anh mất giá so với các đồng tiền khác. Ảnh minh họa: Reuters

Về dịch vụ nợ công, đồng Bảng và Euro giảm giá sẽ kéo theo quan ngại USD và yên Nhật tăng giá, tức gia tăng gánh nặng nợ công cho Việt Nam. Hiện nợ công của Việt Nam có 45 tỷ USD, tức gần 40% là vay bằng đồng Yên so với 25% là USD và Euro chiếm 15%).

Nói cách khác, gánh nặng trả nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách vốn đã rất lớn trong năm 2016 và các năm tiếp theo lại đang bị đè nặng hơn khi đồng yên và USD lên giá. Bên cạnh nợ công, nhiều doanh nghiệp vay bằng đồng Yên như doanh nghiệp thuộc ngành điện và xi măng cũng sẽ phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lớn.

Ngoài ra, dòng kiều hối về Việt Nam từ cộng đồng người Việt tại Anh và châu Âu có thể thu hẹp do khó khăn họ sẽ  gặp phải trong kinh doanh tương lai tại những nước châu Âu.

Mặt khác, Hiệp định thương mại FTA giữa EU và Việt Nam đã kết thúc đàm phán cuối năm 2015 có thể phải bắt đầu đàm phán lại một cách riêng rẽ giữa Việt Nam với Anh và Việt Nam với EU sẽ chậm tiến trình triển khai Hiệp định...

EVFTA cũng sẽ chịu sự tác động do Anh rời EU. Ảnh: TTXVN

Tóm lại, “hậu Brexit” sẽ còn nhiều ẩn số trong nhiều lĩnh vực. Cả về logic và thực tế, còn nhiều tham số đang chuyển động và chưa thực sự rõ ràng, nhất là các nhân tố ảnh hưởng, hệ lụy và tiến độ triển khai quy trình pháp lý liên quan tới việc Anh rời EU.

Mọi sự tăng - giảm giá và các động thái thị trường trên đây trước hết gắn với tác động trực tiếp bởi yếu tố tâm lý và không ngoài xu hướng những kịch bản thị trường đã được cảnh báo trước.

Sự kiện “Brexit” này một lần nữa khẳng định tính tùy thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa các sự kiện quốc gia với thế giới trong xu hướng thị trường ngày càng toàn cầu hóa; phản ánh sự bất an trong tâm lý ngày càng đậm hơn trong cộng đồng cử tri Anh, cũng như trong người dân nhiều nước trên thế giới...

Trước sự kiện “Brexit” chưa có tiền lệ lịch sự này, Chính phủ cần tập trung xây dựng các kịch bản thích ứng phù hợp (nhất là về tỷ giá, dự trữ ngoại hối...) trên cơ sở nắm chắc, xử lý kịp thời các thông tin và cẩn trọng khi ra quyết định.

Người dân cần và nhà đầu tư nên bình tĩnh chờ đợi, chủ động phòng chống rủi ro tỷ giá kép giữa sự mất giá đồng Euro và tăng giá Yên, USD, đồng thời tránh những phản ứng cảm tính, sự hoảng loạn kiểu tâm lý đám đông dễ kéo theo những hệ lụy tiêu cực khó lường và tự biến mình thành nạn nhân của sự thiếu hiểu biết và vội vã của chính mình.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục