Làm gì để chen chân vào thị trường công nghiệp hỗ trợ?

12:39' - 05/10/2016
BNEWS Bộ Công Thương đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có được một ngành công nghiệp hỗ trợ đúng nghĩa.
Giải pháp nào để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ? Ảnh: TTXVN

Nhiều năm qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng thực tế cho thấy, đến nay Việt Nam vẫn chưa có được một ngành công nghiệp hỗ trợ đúng nghĩa.

Theo đó, tỷ lệ nội địa hoá trong các ngành nghề vẫn ở mức thấp, năng lực của doanh nghiệp vẫn nhiều hạn chế và chủ yếu dừng ở khâu gia công, sản xuất có giá trị gia tăng thấp.

Để hiểu sâu hơn về vấn đề này cũng như những giải pháp giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, phóng viên BNEWS/TTXVN đã trao đổi với ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương.

BNEWS/TTXVN: Được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn, Chính phủ và Bộ Công Thương đã có những chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Xin ông cho biết, thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta hiện nay?

Ông Phạm Tuấn Anh: Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách để khuyến khích và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, như về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, tín dụng, thuế giá trị gia tăng, các ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước, tín dụng đầu tư, hay các chính sách về phát triển thị trường, hỗ trợ hợp tác quốc tế...

Tuy nhiên, cho đến nay, ở nhiều ngành, nghề trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, mặc dù bước đầu đã cung cấp được một số linh kiện, phụ tùng, sản phẩm cho sản xuất, nhưng về cơ bản chúng ta vẫn chỉ mới thực hiện ở mức gia công.

Ở một số lĩnh vực như sản xuất linh kiện điện tử, hiện nay Việt Nam đã đáp ứng được một phần nhu cầu linh kiện cho điện tử gia dụng, từ 30-35% và ô tô – xe máy (khoảng 40% chủ yếu cho xe máy).

Tuy nhiên, tỷ lệ cung ứng cho các lĩnh vực hạ nguồn khác khá thấp như điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5%.

Với mặt hàng linh kiện nhựa – cao su, Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất với giá trị trên 5.000 tỷ đồng, đáp ứng được 20% nhu cầu của ngành điện tử. Song lĩnh vực này không sử dụng được nguồn vật liệu cao su tự nhiên trong nước đang sản xuất mà chủ yếu nhập khẩu.

Dây chuyền sản xuất của ngành sản xuất ô tô hiện nay cũng mới chỉ là sơn, hàn, lắp ráp, kiểm tra, sản xuất được các chi tiết, phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, sản phẩm nhựa, thân, vỏ xe...

Hay như ở lĩnh vực dệt may – một lĩnh vực mà Việt Nam xuất khẩu luôn trong top 10 thế giới, năm 2015 đạt khoảng hơn 27 tỷ USD. Doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm khoảng 20% nhưng xuất khẩu chiếm tới 60%. Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chủ yếu theo phương thức gia công.

Trong đó có tới 70% doanh nghiệp sản xuất theo phương thức gia công từ khâu đầu đến khâu cuối, 20% doanh nghiệp sản xuất gia công từng phần, 9% doanh nghiệp sản xuất theo thiết kế - sản xuất - cung ứng sản phẩm, dịch vụ; và chỉ 1% doanh nghiệp có thương hiệu riêng.

Như vậy, về cơ bản, chúng ta chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất và cung ứng linh kiện, nguyên phụ liệu; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu có quy mô lớn. Do vậy, tỷ lệ nội địa hoá trong ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta nói chung còn rất thấp, chỉ khoảng 20-30%, cá biệt có những ngành chỉ đạt 5-10%.

BNEWS/TTXVN: Theo đánh giá, hiện đang có sự chênh lệch lớn giữa năng lực đáp ứng của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với yêu cầu đòi hỏi của các hãng sản xuất công nghiệp lớn trên thế giới. Vậy, đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Ông Phạm Tuấn Anh: Thứ nhất phải nói đến môi trường kinh tế vĩ mô. Trong thời gian dài vừa qua, một số lĩnh vực kinh doanh đem lại tỷ suất lợi nhuận cao đã thu hút nguồn lực của xã hội, nên đầu tư vào sản xuất công nghiệp còn hạn chế.

Thị trường sẽ là yếu tố quyết định đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: TTXVN

Một thực tế cũng phải thừa nhận là trong những năm qua, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ còn bất cập, chưa phù hợp với thực trạng của ngành. Quản lý nhà nước về ngành còn yếu, nhiều lĩnh vực sản xuất chưa có hệ thống thống kê và tiêu chuẩn, dữ liệu quốc gia.

Nguồn lực đầu tư của nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô và vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, chất lượng nhân lực thấp và sự mất cân đối trong phát triển kinh tế cũng tạo ra tâm lý lao động xã hội chỉ quan tâm đến các ngành thương mại, dịch vụ...

Cuối cùng, đối với việc phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa phát huy được lợi thế, trong khi ở các quốc gia, công nghiệp hỗ trợ do hệ thống này đảm nhiệm vì là khu vực tạo nhiều việc làm, là nền tảng sáng tạo của quốc gia.

BNEWS/TTXVN: Ngành công nghiệp Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thế giới thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cộng đồng ASEAN và các FTA. Vậy, để thu hẹp khoảng cách chênh lệch và tạo động lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thì các bộ, ngành; trong đó có Bộ Công Thương cần có sự tham gia như thế nào?

Ông Phạm Tuấn Anh: Để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đúng như kỳ vọng trong thời gian ngắn thực sự rất khó khăn. Do vậy, để tháo gỡ, về nguồn vốn cho công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đề xuất, có thể chuyển sang vay ngân hàng thương mại, tương tự như Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thuỷ sản.

Theo đó, nhà nước bù lãi suất chênh lệch (nếu có) hoặc thành lập Quỹ phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, Bộ sẽ sớm hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ; Ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với nguồn kinh phí đủ, đảm bảo để triển khai các hoạt động nhằm phát triển ngành như: tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nghiên cứu ứng dụng chuyển giao, đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng...

Bộ Công Thương cũng kiến nghị, với một số ngành như ô tô, điện tử, dệt may... Bộ Tài Chính phối hợp với Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp công bố chi tiết về giá cả, thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, những linh kiện, phụ tùng nhập khẩu hàng năm.

Từ đó, Bộ Công Thương sẽ đánh giá cụ thể, định hướng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tập trung sản xuất một số linh kiện và phụ tùng từng bước thay thế nhập khẩu, tìm kiếm thị trường. Ngoài ra, nhà nước cũng cần có biện pháp hỗ trợ về quản trị sản xuất, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện năng lực sản xuất để các doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI...

BNEWS/TTXVN: Vấn đề khơi thông thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang rất được quan tâm. Vậy trong những năm tới, Nhà nước và Bộ Công Thương có chủ trương gì để tháo gỡ vướng mắc này cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển?

Ông Phạm Tuấn Anh: Như chúng ta biết, vấn đề thị trường là vấn đề tiên quyết để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Nếu không có thị trường, doanh nghiệp có làm tốt cũng không có thể tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, Bộ Công Thương đã soạn thảo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, có rất nhiều chính sách để phát triển thị trường cho ngành công nghiệp hỗ trợ, như về chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp về quản lý, quản trị sản xuất, đào tạo công nhân kỹ thuật cao; chính sách hỗ trợ việc sản xuất, chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; chính sách kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm với các doanh nghiệp lắp ráp hoàn chỉnh trong nước và các doanh nghiệp FDI toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình này là xúc tiến thương mại, tạo dựng thị trường và liên kết doanh nghiệp; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo quy trình ISO, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và xây dựng, cập nhật dữ liệu về công nghiệp có sự liên kết với webside các hiệp hội, ngành hàng nước ngoài; tuyên truyền thay đổi  nhận thức về công nghiệp hỗ trợ...

BNEWS/TTXVN: Xin cảm ơn ông!

                

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục