Giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ô tô

20:36' - 07/09/2016
BNEWS Sau nhiều năm phát triển “ì ạch”, nhiều luồng thông tin cho rằng, Việt Nam nên bỏ luôn ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ô tô, vì không hiệu quả và doanh nghiệp Việt cũng không đủ năng lực.
Giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ô tô. Ảnh TTXVN

Ngày 7/9, tại hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ô tô Việt Nam” được tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn có thể phát triển trong thời gian tới nếu Nhà nước có các chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp.

Sau nhiều năm phát triển “ì ạch”, nhiều luồng thông tin cho rằng, Việt Nam nên bỏ luôn ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ô tô, vì không hiệu quả và doanh nghiệp Việt cũng không đủ năng lực.

Đặc biệt là sau năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong ASEAN về 0%, Việt Nam sẽ nhập khẩu ồ ạt xe giá rẻ từ các nước trong khu vực. Khi đó, ngành ô tô trong nước sẽ khó cạnh tranh.

Dẫn chứng về việc phát triển ngành ô tô ở Nhật Bản, Giáo sư Kobayashi Hideo, Viện Nghiên cứu công nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô tô, Đại học Waseda (Nhật Bản), cho biết, tại Nhật Bản trước đây cũng từng có quan điểm không cần thiết phải phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Tuy nhiên, sau đó, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp từ vốn, đến nhân lực, chuyên gia, nghiên cứu khoa học... Từ đó, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản mới từng bước phát triển như hiện nay. Việt Nam cũng có thể áp dụng các chính sách này để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Theo Giáo sư Kobayashi Hideo, để phát triển ngành công nghiệp ô tô, trước hết phải có quy mô thị trường và phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sự phát triển của ngành. Về quy mô thị trường, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ tiềm năng, với quy mô dân số hơn 90 triệu dân và thu nhập bình quân dự kiến đạt 3.000 USD/người vào năm 2020. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển thị trường.

Về sản xuất linh phụ kiện ô tô, với lợi thế từ một quốc gia có nền sản xuất linh kiện xe máy khá phát triển, tỷ lệ nội địa hóa chiếm tới khoảng 80% đến 90%, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển dịch sang sản xuất linh phụ kiện cho ô tô. Trong khoảng thời gian ngắn, nếu các doanh nghiệp phát huy được lợi thế này thì ngành công nghiệp ô tô có thể đuổi kịp các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, “Việt Nam nên giảm thuế nhập khẩu linh kiện để thúc đẩy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện ưu đãi những doanh nghiệp Việt đủ năng lực sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các hãng ô tô”, Giáo sư Kobayashi Hideo đề xuất giải pháp.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Trưởng Phòng Chiến lược và chính sách hội nhập, Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam không hề thua các nước nhưng sản xuất số lượng ít dẫn tới chi phí cao.

Các nước Thái Lan , Philippines , Malaysia , Indonesia đều đưa ra những điều kiện cụ thể để ưu đãi giảm thuế cho doanh nghiệp, trong khi Việt Nam điều kiện áp dụng chung không cụ thể.

“Trong ngắn hạn, cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô duy trì hoạt động sản xuất sau năm 2018.

Tìm giải pháp thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất và giảm giá bán xe. Giữ mức nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tránh gây áp lực cạnh tranh quá mức cho sản xuất ô tô trong nước. Quan trọng là xây dựng tiêu chuẩn chất lượng phụ tùng linh kiện ô tô, hỗ trợ chuyên gia, kỹ thuật cho doanh nghiệp sản xuất…” bà Thúy nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục