Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mất cơ hội vì thủ tục vay vốn kéo dài

15:38' - 31/05/2016
BNEWS Hiện vẫn còn nhiều bất cập trong hệ thống chính sách hỗ trợ về vốn để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều doanh nghiệp bị mất cơ hội kinh doanh.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mất cơ hội vì thủ tục vay vốn kéo dài. Ảnh: TTXVN

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương đã tổ chức “Diễn đàn Các giải pháp về vốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ”.

Nhiều ý kiến tại diễn đàn cho rằng, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong hệ thống chính sách hỗ trợ về vốn để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều doanh nghiệp bị mất cơ hội kinh doanh.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra năng lực cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh công nghiệp hóa quốc gia.

Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, mặc dù nhận thức được vai trò của CNHT đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng, nhưng sự đầu tư cho CNHT ở Việt Nam là chưa tương xứng.

Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn eo hẹp, phần đầu tư cho CNHT rất hạn chế. Các doanh nghiệp rất khó tiếp cận sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNHT gặp rất nhiều khó khăn về vốn và công nghệ để có thể đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ.

Theo ông Trần Văn Quang, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay nhìn tổng thể có nhiều Quỹ mà mục tiêu hướng đến là hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất, nhưng việc tiếp cận để được hưởng các ưu đãi đang rất vướng đối với doanh nghiệp. Lý do trước hết là hiện nay theo quy định, việc hình thành các quỹ tài chính Nhà nước đều mở tại Kho bạc hoặc ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, hiện nay các quỹ đều chỉ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Trong khi đó, hệ thống kho bạc không thực hiện cho vay theo hình thức tín dụng.

Theo ông Quang, nguồn ngân sách Nhà nước được bố trí cho quỹ để hỗ trợ theo hình thức cho vay (kể cả có lãi hoặc không có lãi) cần phải được hiểu là đã được chuyển từ hình thức nguồn ngân sách sang hình thức hoạt động tín dụng, theo đó phải được thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Đây đang là vướng mắc lớn nhất khiến cả cơ quan quản lý Nhà nước dù rất muốn nhưng không thể vận hành được và các doanh nghiệp cũng không thể đủ điều kiện để vay.

“Vì vậy, các quỹ tài chính Nhà nước với mục tiêu hỗ trợ cần phải được xác lập rõ nguồn vốn dành cho vay và phải được chuyển ngay vào tài khoản của các ngân hàng thương mại”, ông Trần Văn Quang đề xuất.

Bên cạnh đó, theo ông Quang, do việc hình thành các quỹ theo các mục tiêu khác nhau nên điều lệ, hướng dẫn cũng khác nhau dẫn đến doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận để diễn giải các nội dung chi tiết, mà phụ thuộc khá nhiều vào cơ quan quản lý.

Việc này dẫn đến kéo dài xem xét, giải quyết các hồ sơ thủ tục nhiều khi làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Đây là lý do doanh nghiệp không còn mặn mà với các chính sách ưu đãi trong khi nhu cầu về vốn lại rất lớn.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, để nguồn vốn hỗ trợ đến được với doanh nghiệp, trước hết cần tái cơ cấu, tăng cường vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các chương trình tín dụng chính sách.

Đồng thời vận hành hiệu quả hơn nữa các Quỹ hỗ trợ như Quỹ bảo lãnh và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ phát triển công nghiệp hỗ trợ sau khi lập...

Về phía các ngân hàng, ông Lực cho hay, cần thiết kế các gói sản phẩm riêng biệt cho doanh nghiệp ngành CNHT; tăng cường thực hiện cho vay theo chuỗi cung ứng sản phẩm.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục