Hỗ trợ các SME phát triển công nghiệp hỗ trợ: Còn nhiều trở ngại

05:52' - 04/08/2016
BNEWS Để ngành xương sống của đất nước phát triển bền vững, điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải đổi mới tư duy cũng như phương thức quản lý.
Cần hỗ trợ các SME phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng với công nghệ lạc hậu, tư duy quản lý cũ kỹ đã làm giảm năng lực cạnh tranh của toàn ngành. Do vậy, để ngành xương sống của đất nước phát triển bền vững thì điều kiện tiên quyết tới đây là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải đổi mới tư duy cũng như phương thức quản lý nhằm tăng tính chủ động cho nền kinh tế và thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

*Nhiều chính sách ưu đãi 

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ (CNHT), những năm gần đây Nhà nước đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển CNHT. Theo đó, hệ thống chính sách khuyến khích của nhà nước về phát triển CNHT như: Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN về duyệt Quy hoạch phát triển CNHT giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương); Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 về Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực CNHT”. 

Gần đây nhất là Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT với nhiều cơ chế ưu đãi doanh nghiệp CNHT như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và áp mức 10% trong vòng 15 năm; các loại hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên vật liệu, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư sẽ được miễn thuế nhập khẩu, nhà đầu tư hưởng ưu đãi 50% kinh phí sản xuất thử trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất …

Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ tối đa 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước bao gồm quặng kim loại, quặng phi kim loại và sản phẩm hóa dầu để phục vụ cho sản xuất sản phẩm CNHT. 

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào CNHT, Tp. Hồ Chí Minh cũng đang có chủ trương hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các dự án thông qua chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015. Thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ lãi suất cho các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư thiết bị có công nghệ kỹ thuật hiện đại, kỹ thuật cao thuộc ngành CNHT như cơ khí, cao su, nhựa, chế biến tinh lương thực thực phẩm… Hỗ trợ 50% lãi suất cho các dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất các dự án thuộc ngành CNHT như: đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ các ngành sản xuất vật liệu composite, vật liệu mới có chất lượng cao; trung tâm triển lãm, giao dịch nguyên phụ liệu dệt may, da giày… Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa cho một dự án là 100 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, do còn hạn chế về nguồn lực, cho đến nay CNHT trong nước mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai, manh mún, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở nước ta còn rất ít, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh kém. Các sản phẩm hỗ trợ của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, giá lại cao hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Nhân lực phục vụ CNHT chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng… Do vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp. 

*Những “nút thắt” cần tháo gỡ 

Theo các chuyên gia, cơ chế chính sách về phát triển CNHT khá đồng bộ, có nhiều ưu đãi vượt trội. Tuy nhiên, làm thế nào để các chính sách đó đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả cũng còn nhiều vướng mắc. Theo ông Kiều Huỳnh Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất máy và sản phẩm thép Việt, là chìa khóa thúc đẩy nền công nghiệp phát triển nhưng CNHT ngành cơ khí Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập cần tháo gỡ, như có quá ít doanh nghiệp Việt Nam làm CNHT, phần lớn đều mang tính tự phát, manh mún, chưa có quy hoạch, thiếu chuyên môn hóa nên hiệu quả mang lại chưa cao. Các chính sách hỗ trợ phát triển CNHT chưa đủ mạnh nên hầu hết các doanh nghiệp tự xoay xở, nên chưa tạo được tính hấp dẫn thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư. 

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa phù hợp với doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Đặng Ngọc Quý, Giám đốc Công ty TNNH Kỹ nghệ Nam Sơn cho rằng, các chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn chưa thật sự sâu sát và phù hợp với doanh nghiệp. Quá nhiều quy định, thủ tục trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải chạy hụt hơi không đủ thời gian hoàn thành để được hưởng các ưu đãi của nhà nước. Bên cạnh đó, do quy mô nhỏ, nguồn lực yếu nên dù được nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trong nước vẫn chưa có bước phát triển đột phá. Thực trạng số doanh nghiệp tham gia được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Gần đây khi dự án 2 tỷ USD của Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) của Tập đoàn Samsung tại Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh được triển khai, rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng có cơ hội tham gia chuỗi sản xuất của tập đoàn này. Nhưng đến nay chỉ có ba doanh nghiệp Việt là Công ty TNHH khuôn chính xác Minh Đạt, Công ty TNHH in bao bì Ngân Hà, Công ty TNHH nhựa Phước Thành được chọn trở thành nhà cung cấp phụ trợ cho Samsung. 

Tham gia vào chuỗi cung ứng của một sản phẩm nào đó, cơ hội thường được mở ra cho tất cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp trong nước thường bị hạn chế về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý nên đã đánh mất nhiều cơ hội. 

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội cơ khí điện Tp. Hồ Chí Minh, chỉ những doanh nghiệp có sẵn nguồn lực, có bước phát triển đột phá mới nắm bắt được cơ hội trở thành nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp lớn. Muốn trở thành nhà cung cấp phụ trợ, doanh nghiệp phải đầu tư lớn để làm ra sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, số lượng và giá cả cạnh tranh. Trong khi doanh nghiệp trong ngành CNHT đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tiếp cận vốn cũng không dễ. 

Còn theo ông Đặng Ngọc Quý, cái khó nhất khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn là thương hiệu, thương hiệu ở đây không phải là hình ảnh của riêng doanh nghiệp nữa mà là hình ảnh thương hiệu quốc gia. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được hỗ trợ quảng bá, do chi phí quảng bá khá đắt nên nếu có doanh nghiệp cũng chỉ làm rất manh mún và đơn lẻ chưa hợp thành những tổ chức, chưa có giá trị tiêu chuẩn Việt. Ở Việt Nam đã có tiêu chuẩn về Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng còn thiên về ngành tiêu dùng, ngành công nghiệp cũng cần có một chuẩn tương tự để có thể áp dụng chung. Chính phủ cần có định hướng sản phẩm mang thương hiệu của Việt Nam đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục