Lạm thu đầu năm học: “Điệp khúc” đầy mệt mỏi mỗi dịp khai giảng

10:28' - 20/09/2017
BNEWS Lễ khai giảng năm học 2017-2018 vừa diễn ra được ít ngày, hàng loạt các trường bị tố lạm thu với số tiền từ vài triệu tới cả chục triệu đồng.

Trong danh sách hàng chục khoản thu gây xôn xao đầu năm học mới, có không ít những khoản thu vô lý núp dưới danh nghĩa “tự nguyện”, “xã hội hóa”.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải có những biện pháp mạnh xử lý tình trạng này, thậm chí phải xử lý người đứng đầu, hay đã đến lúc nên bỏ cái gọi là Ban đại diện cha mẹ học sinh vì lo ngại đây là “cánh tay nối dài” cho những mập mờ thu chi của trường học.

Không thể xử lý kiểu...sự đã rồi!

Đã là chuyện cũ nhưng dường như chưa bao giờ hết nóng vào mỗi dịp khai trường. Thậm chí, những ngày này, khi học sinh đã bắt đầu bận rộn với các môn học đầu năm mới, các bậc phụ huynh vẫn đau đáu chuyện lạm thu.

Mỗi dịp khai giảng, các khoản thu đầu năm luôn được các phụ huynh quan tâm. Ảnh minh họa: Quý Trung - TTXVN

Mỗi ngày lại nổi lên một vài câu chuyện trên mạng xã hội, một số lá đơn tố cáo các trường đưa ra nhiều khoản thu vô lý.

Những “phát súng” đầu tiên trong câu chuyện lạm thu ở Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Tháp... ngay đầu năm học 2017 -2018 đã khiến cho cuộc đấu tranh chống lạm thu trong trường học càng trở lên gay gắt.

Được biết, ngoài những khoản đóng góp cố định và được công khai rộng rãi như: Học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể…còn lại một số mục như: đồng phục, tiền ăn, tiền trang bị cơ sở vật chất (điều hòa, học phẩm…), xây dựng trường, quỹ lớp, Quỹ Hội Phụ huynh, học thêm… được liệt kê dài dằng dặc, khiến phụ huynh học sinh bức xúc.

Điều đáng bàn là những khoản thu này dù ít hay nhiều đều được núp dưới danh nghĩa là “tự nguyện”, hoặc “xã hội hóa” do Hội Phụ huynh học sinh của trường chủ trì, nhà trường chỉ đứng ra thu hộ.

Thực tế này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng dường như giải pháp cho vấn đề này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Để rồi câu chuyện lạm thu vẫn là “điệp khúc” đầy mệt mỏi mỗi dịp khai giảng năm học.

Động thái được cho là có sự vào cuộc của các cơ quan có trách nhiệm là việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngay từ đầu năm học đã công bố số điện thoại đường dây nóng để phản ánh các hiện tượng thu, chi không đúng quy định năm học 2017 - 2018 tại các trường học trên địa bàn.

Tại Hướng dẫn số 2244/SGD&ĐT-KHTC ngày 12/7/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường khi triển khai công tác thu chi phải làm rõ nội dung, mục đích và vị trí của từng khoản thu, tuyệt đối không được thu các khoản trái quy định.

Theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập Hà Nội quy định các trường được phép thu 9 nội dung, gồm: Bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm, nước uống, bảo hiểm y tế, dạy thêm học thêm trong nhà trường, đồng phục, tài trợ, tự nguyện.

Riêng với khoản thu tự nguyện, các trường phải tuân thủ 4 bước: Thống nhất chủ trương trong Ban Giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh; lập kế hoạch công việc và dự trù kinh phí, niêm yết công khai ít nhất 1 tuần; báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp; đưa vào sổ sách kế toán theo quy định và công khai báo cáo quyết toán kinh phí đã huy động.

Quy định là vậy nhưng rất nhiều trường không thực hiện nghiêm mà điển hình là hàng loạt các đơn tố cáo tuần qua trên địa bàn. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, phương án mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra hoàn toàn hợp lý nhưng chưa phải là cách chống lạm thu hiệu quả bởi thực tế đây chỉ là giải pháp khi “sự đã rồi” mà thôi.

Không thể "nhẹ tay"

Không thể cứ đưa ra quy định rồi để đấy, không thể “nhẹ tay” với bất cứ trường hợp nào lấy danh nghĩa giáo dục để lạm thu. Đặc biệt càng không thể tha thứ việc hợp thức hoá các khoản tận thu này bằng “chiêu trò” trên danh nghĩa “tự nguyện”, với môi trường “dạy chữ, dạy người” càng không thể dung túng điều ấy.

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết: Hình thức đóng góp tự nguyện đang bị biến tướng rất nhiều khoản thu. Theo quy định, các bậc phụ huynh không phải tham gia đóng góp cho các hạng mục như mua sắm, sửa chữa trong nhà trường mà đó là trách nhiệm của Nhà nước và người đứng đầu cơ sở giáo dục. Các hoạt động như bán trú, ăn trưa được thỏa thuận. Trường hợp cần sửa chữa cấp thiết trong khi ngân sách chưa kịp thời, Nhà trường phải thực hiện đúng 4 bước quy trình về thỏa thuận.

Ông Nguyễn Viết Cẩn cho biết thêm, các khoản thu của nhà trường phải được cấp trên phê duyệt, tức là UBND quận, huyện đối với các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở; Sở Giáo dục và Đào tạo đối với Trung học Phổ thông. Cho nên, việc kiểm tra các khoản thu cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp.

Bên cạnh thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý, phụ huynh cần có sự chia sẻ và hiểu đúng những khoản đóng góp mình phải thực hiện và không phải thực hiện, đồng thời nêu cao vai trò giám sát cộng đồng, khi có hiện tượng sai cần lên tiếng phản ánh ngay.

Thế nhưng, trên danh nghĩa là “tự nguyện” đóng góp, các phụ huynh học sinh cho biết đều bị đưa vào thế không thể không ủng hộ tiền do lo ngại ảnh hưởng đến việc học của con. Và thực tế đáng buồn là đang có những cái gật đầu mang tên tự nguyện đầy miễn cưỡng của các bậc phụ huynh.

Tất cả những phụ huynh đều có một điểm chung là nhìn thấy rõ cái sai của nhà trường, nhưng không dám nói thẳng với trường, khi tiết lộ với báo chí cũng yêu cầu không để tên thật để đỡ ảnh hưởng đến con.

Điều này cho thấy, cùng với sự quản lý, chỉ đạo quyết liệt của ngành chức năng, các phụ huynh cần kiên quyết đấu tranh với tình trạng lạm thu, kiên quyết không đóng góp các khoản thu ngoài quy định, từ đó mới có thể tạo ra môi trường dân chủ, công khai, minh bạch trong trường học.

Để triệt để vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng nên dẹp bỏ Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh bởi lẽ, ban này hiện tại nhiều nơi đang bị biến tướng, không làm đúng chức năng của mình, thậm chí trở thành “cánh tay nối dài” của trường trong việc vận động phụ huynh để thu các khoản xã hội hóa.

Với tình trạng lạm thu phức tạp như hiện nay, nếu không có giải pháp mạnh, hợp lý, việc chống lạm thu dù cố gắng đến mấy cũng sẽ rơi vào ngõ cụt… Điều chỉnh học phí theo các mức hợp lý, xây dựng các chiến lược xã hội hóa để các cấp chính quyền cùng vào cuộc hỗ trợ là những điều nhiều nhà quản lý, nhà giáo đang đề xuất.

Bên cạnh đó, điều mà xã hội, phụ huynh yêu cầu là các khoản thu phải công khai, minh bạch và hợp lý. Các khoản thu mang danh “tự nguyện” phải được kiểm soát chặt chẽ, có ý kiến của phụ huynh, không thể là mệnh lệnh từ phía nhà trường cũng như Ban phụ huynh.

Tất cả các trường, từ Mầm non đến cấp Đại học đều phải có trách nhiệm giải trình các nguồn tài chính. Có như vậy, các khoản núp bóng lạm thu mới có thể hạn chế được.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà quản lý giáo dục ngoài việc tăng cường giáo dục đạo đức nhà giáo, còn cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường giám sát đối với các khoản thu đầu năm học của các cấp học.

Quan trọng nhất là, trong khi chờ sự trung thực, tự giác của nhà trường, cần thiết phải có “gậy pháp lý” đủ mạnh để xử lý nghiêm các sai phạm, đặc biệt là phải có chế tài xử lý người đứng đầu trường học một cách quyết liệt hơn nữa, chứ không phải theo kiểu “sai thì sửa”, hay “trả lại tiền thu sai quy định” là xong./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục