Chứng khoán Mỹ khó "lội ngược dòng" nhanh chóng như năm 2020

14:33' - 09/04/2025
BNEWS Chỉ số S&P 500 vừa chứng kiến tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 làm kinh tế thế giới đình trệ vào tháng 3/2020.

Chỉ số chuẩn này đã giảm khoảng 9% trong khoảng thời gian từ ngày 31/3 đến ngày 4/4 trong một đợt bán tháo ồ ạt do chính sách thuế quan gây ra.

Tương tự, trong năm 2020, khi đại dịch lan rộng khắp Mỹ, thị trường chứng khoán đã mất 12,5% chỉ trong năm phiên giao dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường cho rằng sự phục hồi của cổ phiếu lần này sẽ có diễn biến khác.

Mặc dù chỉ số S&P 500 đã quay trở lại mức đỉnh kỷ lục chỉ bốn tháng sau cú sập do đại dịch, song các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào sự trở lại nhanh chóng tương tự vào năm 2025.

 

Cú sốc gần đây đối với thị trường đến từ chính các quyết định cua Tổng thống Donald Trump. Với việc thuế quan dự kiến đạt mức cao nhất trong một thế kỷ, người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang cảm thấy bi quan hơn về quỹ đạo của nền kinh tế Mỹ. Điều này cũng làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư, với nhiều nỗ lực phục hồi từ đáy thị trường gần đây đều thất bại.

Sự khác biệt lớn nhất giữa cú sốc này và cú sốc do đại dịch là lần này tổng thống có khả năng "tắt công tắc" cho sự hỗn loạn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Trump vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nhượng bộ.

Đợt bán tháo thị trường gần đây được thúc đẩy do lo ngại rằng thuế quan của ông Trump có thể làm đình trệ tăng trưởng kinh tế Mỹ, thậm chí có thể gây ra suy thoái.

Trong các giai đoạn trước đây, như đại dịch, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thường cắt giảm mạnh lãi suất. Lần này, Fed dự kiến sẽ không ngay lập tức "ra tay giải cứu".

Thuế quan được cho là sẽ làm chậm tăng trưởng nhưng đồng thời lại thúc đẩy lạm phát. Khi thị trường chao đảo phiên 4/4 trong bối cảnh S&P 500 bị bán tháo 11% trong hai ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết còn "quá sớm để nói phản ứng chính sách tiền tệ phù hợp đối với các chính sách mới này sẽ là gì".

Thị trường đã biến động theo từng thông tin nhỏ giọt về thuế quan khi các nhà đầu tư cố gắng đánh giá tác động của chúng. Nhưng đối với các doanh nghiệp, quá trình này không hề dễ dàng. Việc phải quyết định cách hoạt động với mức thuế 54% đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, rồi sau đó chúng bị tăng lên 104% vài ngày sau đó, tạo ra môi trường bất ổn gia tăng có thể làm chậm đầu tư của doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục