Lấy ý kiến dự thảo thông tư về quản lý cát, sỏi lòng sông

10:08' - 26/05/2017
BNEWS Việc khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác ở khu vực bãi sông phải gắn kết với các yêu cầu về khơi thông dòng chảy, tăng khả năng thoát lũ, bảo đảm chức năng của nguồn nước.
"Nóng" vấn đề quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông. Ảnh: TTXVN

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, đưa hoạt động này vào nề nếp.
Theo dự thảo, hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông phải tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản, giao thông thủy, đê điều, phòng, chống thiên tai, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống, sạt, lở bờ, bãi sông.

Dự thảo nêu rõ, không làm thay đổi vận tốc dòng chảy, không tạo chênh lệch mực nước trước và sau công trình, giảm khả năng thoát lũ gây ngập úng bãi, vùng đất ven sông, sạt lở bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; không gây bồi lắng, xói lòng sông làm đổi hướng dòng chảy chủ lưu, gây mất ổn định bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng nguồn nước.

Dự thảo Thông tư quy định thực hiện các biện pháp phòng, chống ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch tài nguyên nước và các quy hoạch khác có liên quan.

Đối với khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác ở khu vực lòng sông, cao độ đáy của tuyến khai thác không được vượt quá cao độ trung bình của đáy sông hiện tại trên tuyến khai thác.

Đường biên ngoài của tuyến khai thác phải cách mép bờ ít nhất 10% chiều rộng của lòng sông được tính bằng khoảng cách giữa hai mép bờ.

Trường hợp đoạn sông bị bồi, lắng thường xuyên, sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở, căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu về phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy định cụ thể.

Việc khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác ở khu vực bãi sông phải gắn kết với các yêu cầu về khơi thông dòng chảy, tăng khả năng thoát lũ, bảo đảm chức năng của nguồn nước.

Cao độ đáy tuyến khai thác không được vượt quá cao độ ứng với mực nước trung bình mùa cạn. Sau khi hoàn thành việc khai thác, phải thực hiện các biện pháp để cải tạo, phục hồi môi trường, cảnh quan, bảo đảm an toàn khu vực khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Trường hợp bãi nổi bán ngập, bãi hình thành theo mùa, bãi mới hình thành, căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu về phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận xem xét, quy định cụ thể.
Trường hợp đang thực hiện việc khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông mà có hiện tượng sạt lở tại khu vực khai thác phải dừng ngay việc khai thác, đồng thời báo cáo chính quyền địa phương nơi gần nhất và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi khai thác.

Căn cứ quy mô, mức độ tác động của sự cố, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo dừng khai thác; đồng thời, tổ chức xác định nguyên nhân, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung vào khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông theo quy định.

Hoạt động khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác tại khu vực lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải tuân thủ quy định về hành lang bảo vệ hồ chứa, bảo vệ công trình, bảo đảm an toàn hồ chứa, an toàn tuyệt đối cho đập và các hạng mục công trình gắn liền với hồ chứa; chỉ khai thác phần bồi lắng và phải gắn liền với việc nạo vét, phòng, chống, bồi lắng lòng hồ; không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của hồ chứa./.

>>> Thủ tướng: Cấm khai thác cát trái phép, khai thác quá mức

>>> Phải nhanh chóng tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế cát tự nhiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục