Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

15:20' - 13/04/2017
BNEWS Một điểm thu hút sự đồng tình của đông đảo doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội ngành nghề, giới luật gia và các chuyên gi là có nên sử dụng từ “hỗ trợ” đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo “Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 13/4, rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, dự thảo Luật được xây dựng cần tính thực tiễn nhiều hơn nữa, phản ánh đúng thực trạng khó khăn và những vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đáp ứng đủ và phù hợp những yêu cầu, cũng như nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một điểm thu hút sự đồng tình của đông đảo doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội ngành nghề, giới luật gia và các chuyên gia nghiên cứu là nên hay không nên sử dụng từ “hỗ trợ” đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quan điểm chung là doanh nghiệp dù ở quy mô nào cũng đều cần sự đối xử công bằng, cần được bảo vệ trước những rào cản pháp lý và trước những vướng mắc về thủ tục, về cơ chế chính sách áp dụng hiện nay.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng mong muốn được cạnh tranh lành mạnh và thực thi các chính sách pháp luật một cách nhất quán giữa các ban, ngành chức năng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần sự ủng hộ và bảo vệ hơn là hỗ trợ về bất cứ điều gì kể cả về tài chính, đất đai hay đầu tư công nghệ.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần cân đối nguồn lực quốc gia, khi hơn 97% doanh nghiệp là quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tương đương với khoảng 500.000 doanh nghiệp thì chỉ cần hỗ trợ 10 triệu đồng/doanh nghiệp, ngân sách quốc gia cũng khó lòng đáp ứng.

Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp rất cần được tạo điều kiện bằng cơ chế, chính sách, bằng sự thuận lợi và minh bạch trong thực thi các quy định pháp luật và quan điểm được tôn trọng, được đối xử công bằng như các doanh nghiệp lớn hơn hay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi tiếp cận tín dụng ngân hàng, tiếp cận đất đai và các cơ sở hạ tầng khác….

Bởi trên thực tế, đó là những vấn đề khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn cảm thấy chịu thiệt thòi và bị phân biệt đối xử.

Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, vấn đề quy mô doanh nghiệp và số lượng lao động của doanh nghiệp theo dự thảo Luật cũng là điều đáng quan tâm.

Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp ngày càng phải nâng chất và đầu tư công nghệ, hiện đại hóa hệ thống máy móc để nâng cao năng suất lao động mà quy định doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có lao động không quá 300 người, có tổng vốn không quá 100 tỷ đồng và doanh thu không quá 300 tỷ đồng là không phù hợp.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp có quy mô dưới 1.000 lao động đang được hưởng chính sách ưu đãi, nay chuyển cơ chế theo luật mới, liệu có khuyến khích các doanh nghiệp phấn đấu phát triển hay không ? Ông Việt Anh đặt câu hỏi.

Ngay như chính sách thuế khoán theo quy định của dự thảo luật cũng cần phải nghiên cứu thay đổi. Nếu tiếp tục áp dụng chính sách thuế khoán sẽ khiến doanh nghiệp có tâm lý ỳ chệ, lợi dụng chính sách.

Luật sư Trương Thanh Đức, đại diện Công ty tư vấn Luật Basico cho rằng, nếu tiếp tục áp dụng chính sách thuế khoán mà không có sự thay đổi, điều chỉnh có thể dẫn tới tâm lý ỷ lại trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng thời sẽ tạo nên tình trạng bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp quy mô lớn. Điều quan trọng, có thể gây nên những xung đột lợi ích và những hành động cạnh tranh thiếu lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục