Bí quyết phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

16:29' - 07/03/2017
BNEWS Bán hàng đa kênh, kết hợp giữa bán hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến (còn gọi là thương mại điện tử) đã trở thành xu hướng của các nước trên thế giới; trong đó có Việt Nam.
Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng phát triển mới, hỗ trợ kinh doanh truyền thống của các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: The Logical Indian

Những năm gần đây, doanh thu từ thương mại điện tử ở Việt Nam đã đạt nhiều tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 22%/năm. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Những xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến” do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Sở Công Thương Đồng Nai tổ chức ngày 7/3, tại Đồng Nai.

Theo VECOM, thương mại điện tử là công cụ hữu ích cho việc triển khai hoạt động kinh doanh trực tuyến, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường, quảng bá hình ảnh và giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh và hiệu quả nhất.

Cũng theo VECOM, hiện có trên 40% doanh nghiệp đạt được doanh thu cao hơn nhờ thương mại điện tử và khoảng 52% dân số của Việt Nam có kết nối internet; 65% trong số đó đã từng mua hàng trực tuyến.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM cho hay, hiện có khoảng 70% người tiêu dùng trước khi trực tiếp đến cửa hàng họ chọn phương pháp lên mạng tìm kiếm thông tin và địa chỉ nơi bán sản phẩm. Do đó, nếu doanh nghiệp không có website thì người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và tiếp cận sản phẩm.

Ông Dũng cho rằng, xây dựng website là một trong những bước đầu tiên để doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử. Chọn tên miền để xây dựng website cho doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là địa chỉ trên mạng internet mà nó sẽ gắn bó chặt chẽ với hoạt động kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp làm nên danh tiếng và độ tín nhiệm của doanh nghiệp đó.

Tại hội thảo, nhiều bạn trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp cũng đã chia sẻ các phương thức sử dụng internet làm công cụ hoạt động kinh doanh và cho rằng, những rủi ro trong thương mại điện tử vẫn có thể xảy ra và điều mấu chốt là nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp, từ đó, tạo dựng niềm tin cho người mua hàng trực tuyến.

Ông Đoàn Quốc Tâm, Giám đốc Công ty FTC Media chia sẻ: "Khi doanh nghiệp hiện diện trực tuyến chính thức với một tên miền tiêu chuẩn, tức là doanh nghiệp đó đã đảm bảo khả năng tiếp cận cao với khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp có mục tiêu kinh doanh trên phạm vi toàn cầu thì nên chọn tên miền “.com” vì nó tạo dựng được sự tín nhiệm và độ ổn định cao".

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 đạt 10 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 50% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước./.

>>> Sắp diễn ra Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam

>>> Cơ hội lớn cho ngành bán lẻ qua thương mại điện tử

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục