LHQ gặp khó khi Mỹ cắt giảm ngân sách đóng góp

09:27' - 20/03/2017
BNEWS Việc Tổng thống Mỹ đề xuất cắt giảm chi tiêu cho các chương trình của LHQ có thể khiến tiến trình cải cách thể chế của tổ chức này gặp khó.
Tổng thư ký LHQ António Guterres cam kết thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế của LHQ. Ảnh: Reuters

Theo tờ The Wall Street Journal, các nhà ngoại giao và quan chức của Liên hợp quốc ( LHQ) cảnh báo rằng những đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt giảm chi tiêu của Mỹ cho các chương trình của LHQ có nguy cơ cản trở các cuộc cải cách thể chế của tổ chức này và gây ra lỗ hổng tài chính khó có thể bù đắp được.

Ngân sách năm 2018 của ông Trump, được công bố ngày 16/3, cắt giảm chi tiêu cho các chương trình gìn giữ hòa bình và khí hậu tại LHQ. Những chi tiết chính xác và việc phân bổ ngân sách cho LHQ chưa rõ ràng, song ngân sách mới đề nghị xóa các khoản ngân sách dành cho các chương trình khí hậu.

Ngân sách cũng sẽ giảm mức trần đóng góp của Mỹ cho LHQ xuống mức 25% đối với các khoản đóng góp cho ngân sách gìn giữ hòa bình trị giá 8 tỷ USD của LHQ. Hiện mức đóng góp của Mỹ là 28,6%.

Nhìn chung, Mỹ tài trợ 22% ngân sách hoạt động 5,4 tỷ USD của LHQ, là nhà tài trợ lớn nhất trong số 193 quốc gia là thành viên của tổ chức này. Ngoài ra, Mỹ còn tài trợ cho một số tổ chức liên quan, như là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nơi theo dõi việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và khoảng 10 tổ chức khác.

Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho IAEA, khoảng 200 triệu USD/năm, chiếm 25% ngân sách thường xuyên. Tuy vậy, Mỹ lâu nay vẫn chỉ trích LHQ về cung cách hoạt động quan liêu, và chính quyền ông Trump coi việc cải tổ chức của LHQ là một nền tảng cho sự can dự của họ đối với tổ chức thế giới này.

Trong tuyên bố ngày 16/3, Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho biết ông cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với LHQ để tiến hành các cuộc cải cách, song cảnh báo rằng những thay đổi đột ngột có thể phá hỏng nỗ lực cải cách. Ông nói: "Việc giảm ngân sách đột ngột có thể buộc LHQ phải thực thi những biện pháp khắc khổ gây phương hại tới tác động của những nỗ lực cải cách về lâu dài".

Một số thành viên LHQ đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về số phận của những chương trình bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cắt giảm ngân sách của Mỹ và cảnh báo rằng sẽ rất khó thuyết phục được các cường quốc khác tăng đáng kể nguồn tài trợ của họ.

Nền kinh tế châu Âu đang trong tình trạng khó khăn và phải đương đầu với sự hoang mang do nước Anh quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Đồng ruble (rúp) Nga đã mất giá mạnh do các biện pháp trừng phạt của quốc tế. Các quốc gia Arập đang vật lộn với nguồn thu ngân sách sụt giảm do giá dầu lao dốc.

Một số nhà ngoại giao và quan chức LHQ cho rằng Trung Quốc, nước đã tăng các khoản đóng góp cho LHQ trong ba năm qua, có thể nổi lên là nhà cung cấp kinh phí hàng đầu cho các chương trình gìn giữ hòa bình và khí hậu.

Tại cuộc điều trần phê chuẩn chức vụ trước Thượng viện, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã tuyên bố rằng bà không tán thành cách tiếp cận "giảm ngân sách triệt để" song bà ủng hộ đề xuất ngân sách của ông Trump và nói rằng điều này là phù hợp với những cam kết mà tân Tổng thống đã đưa ra với người dân Mỹ trong chiến dịch tranh cử.

Bà nói: "Trong nhiều lĩnh vực, Mỹ đã chi nhiều hơn mức mình nên chi, và trong nhiều phương diện Mỹ phải gánh gánh nặng tài chính nhiều hơn nhiều với các nước khác".

Một số nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an LHQ, nơi được giao trách nhiệm thông qua các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, nói rằng những đợt cắt giảm này là "cực kỳ đáng ngại" và có thể khiến dư luận có quan niệm rằng Mỹ ngừng can dự với cơ chế đa phương.

Đại sứ Pháp tại LHQ, ông François Delattre, nói: "Trong bối cảnh chúng ta đang phải đương đầu với tình trạng tích tụ những cuộc khủng hoảng chưa từng có, hơn bao giờ hết chúng ta cần có một LHQ mạnh và một nước Mỹ duy trì những cam kết đối với các vấn đề của thế giới".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục