Liên kết để giữ vững thị phần-Bài 1: Cày xới mảnh đất vàng

12:36' - 11/02/2016
BNEWS Vài năm trở lại đây, hàng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ...
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang là mảnh đất vàng cho các doanh nghiệp. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái Lan ra đời, thu hút sự quan tâm của một bộ phận cư dân thành thị. Nhận định về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, sự thâm nhập của Thái Lan sẽ là cơ hội thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tạo động lực cho phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam bởi hàng Thái Lan sẽ lấn át hàng Việt nếu như các doanh nghiệp trong nước không nhanh nhạy xây dựng hệ thống bán lẻ, phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, kể từ tháng 1/2015, Việt Nam chính thức cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Thêm vào đó, việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức đi vào hoạt động kể từ năm 2016 sẽ cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn, nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong khối.

Chưa kể tới việc Hiệp định TPP vừa được ký kết với hơn 10.000 loại hàng hóa trong 12 nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan. Điều này gây áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam, hàng hóa sản xuất trong nước, buộc phải nâng cao sức cạnh tranh và phân phối.

Bộ Công Thương dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 Trung tâm thương mại với tổng mức bán lẻ sẽ tương đương khoảng 25-30 tỷ USD.

Đây là "miếng mồi" khá béo bở, đặc biệt là thị hiếu khách hàng và yêu cầu về dịch vụ cũng như chất lượng sản phẩm đang ở mức thấp như Việt Nam thì việc sở hữu thị phần bán lẻ còn là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài đưa sản phẩm từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng.

Có lẽ chính vì điều này mà liên tiếp kể từ năm 2013 trở lại đây, các ông chủ Thái Lan thi nhau cắm rễ vào mảnh đất màu mỡ này. Bằng chứng là mới đây, Tập đoàn BJC của Thái Lan đã mua lại chuỗi cửa hàng Family Mart từ Tập đoàn Phú Thái (Việt Nam) và đổi tên thành B’smart.

Tháng 8/2014, Tập đoàn BJC tiếp tục mua lại chuỗi siêu thị Metro Việt Nam với trị giá 876 triệu USD. Tháng 1/2015, Tập đoàn Central Group đã mua 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim với trị giá 200 triệu USD. Tập đoàn này cũng đã mở chuỗi siêu thị Robinson tại Việt Nam với mục tiêu phân phối hàng Thái Lan tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, vào tháng 1/2016, thông tin Tập đoàn BJC và Central Group đều nhắm đến mua lại hệ thống kinh doanh Big C ở Việt Nam từ tay Tập đoàn Casino của Pháp đã được đưa ra và có khả năng, thương vụ này sẽ hoàn thành trong năm nay. Thực tế cho thấy, những thương hiệu mà các đại gia Thái Lan chọn mua đều lớn và được người tiêu dùng Việt ưa chuộng.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam tỏ ra lo ngại trước việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan rất mạnh mẽ nhưng cũng không thể tán thành với nhận định rằng các nhà bán lẻ Thái Lan đang thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam.

Thị phần bán lẻ còn là cơ hội tốt cho doanh nghiệp đưa sản phẩm từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Bởi lẽ, muốn nói tới chuyện thâu tóm thì cần phải cân nhắc, đánh giá một cách khách quan, có số liệu cụ thể, không chỉ về định tính mà cần phân tích về mặt định lượng.

Do vậy, với sự tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam, cũng có một quan ngại rằng hàng hóa Việt sẽ khó gia nhập vào hệ thống của các doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, không thể phủ nhận hàng hóa Thái Lan rất được cảm tình của người tiêu dùng Việt Nam vì có mẫu mã thay đổi nhanh chóng, chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp với đại đa số người tiêu dùng Việt.

Mặc dù đã đưa vào quy hoạch tái cơ cấu của ngành công thương nhưng từ quyết định xây dựng nhà bán lẻ hàng đầu đi tới thực tế hiện vẫn chưa được triển khai ráo riết.

Ngoài thâm nhập và không ngừng mở rộng hệ thống bán lẻ, các tập đoàn Thái Lan còn có nền móng vững chắc tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất như thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp... Điều đó khiến hàng Việt Nam càng đứng trước nguy cơ lép vế ngay trên sân nhà.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc bố trí hàng hóa trên kệ hàng, không thể phủ nhận bất cứ nhà bán lẻ nào cũng đều mong muốn sản phẩm của nước mình được bán nhiều hơn.

Tuy nhiên, có một điều còn cao hơn mong muốn đó là đòi hỏi của thị trường và yêu cầu của người tiêu dùng. Nếu thị trường không có yêu cầu và người tiêu dùng không yêu thích thì cũng không thể làm vậy.

Câu trả lời cho sự cạnh tranh là phải dùng chất lượng, sự phong phú về thể loại, kể cả dịch vụ của nhà bán lẻ để giữ chân người tiêu dùng.

Các Tập đoàn bán lẻ lớn của Việt Nam vẫn đang cố gắng để đứng vững cũng như giữ thị trường. Tuy nhiên, trong bối cạnh hiện tại, nếu muốn có những nhà bán lẻ mạnh thì bản thân sự nỗ lực của doanh nghiệp không đủ, cần phải có sự hỗ trợ - những hỗ trợ không vi phạm cam kết hội nhập quốc tế, để tạo dựng được 15 - 20 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu dẫn dắt thị trường ngành dịch vụ bán lẻ.

Liên kết để giữ vững thị phần-Bài 2: Giữ vững thị phần

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục