Liên kết để giữ vững thị phần-Bài 2: Giữ vững thị phần

13:26' - 11/02/2016
BNEWS Theo dự báo của Economist Intelligence Unit, châu Á sẽ là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng thị trường bán lẻ toàn cầu. Vào năm 2016, thị trường này sẽ đạt 11.800 tỷ USD, với mức tăng trưởng 6,8%.
Ngành bán lẻ Việt Nam rất lạc quan nhưng cũng đầy thách thức. Ảnh: Anh Minh-TTXVN

Điều này cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam rất lạc quan nhưng cũng đầy thách thức khi thị phần đang đe dọa rơi vào tay các đối thủ châu Á.

Một loạt các thương hiệu lớn đang đặt mục tiêu “bành trướng” tại Việt Nam tới 2020 như Lotte đặt mục tiêu phát triển 60 siêu thị trên cả nước; Aeon sẽ mở 20 Trung tâm thương mại tại Việt Nam, hoặc Wal Mart của Mỹ hay Auchan của Pháp cũng tuyên bố sẽ tham gia vào thị trường.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, có thể đến cuối năm nay sẽ có 2 trung tâm Robins của Central Group tại Việt Nam nhưng đây không phải là con số cuối cùng.

Bởi, Việt Nam là một trong những "điểm đến" mà nhà đầu tư này công bố sẽ dành 1,3 tỷ USD để mở cửa hàng, trung tâm mua sắm, mua bán và sáp nhập ở Đông Nam Á trong 3 năm tới; trong đó, 80% ngân sách sẽ được rót vào Cental Retial và Central Pattana, 20% còn lại đầu tư vào ngành thực phẩm, khách sạn, lĩnh vực thời trang.

Sự xuất hiện của hệ thống phân phối hiện đại của Thái Lan sẽ tạo điều kiện cho hàng Thái Lan vào Việt Nam theo đường chính thống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và qua đó sẽ đẩy hàng Thái ra thị trường nhiều hơn, được người tiêu dùng chấp nhận dễ dàng hơn.

Với đà phát triển như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa 2 nước có khả năng sẽ tăng lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
Để giữ vững thị phần trên sân nhà, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, các doanh nghiệp cần vượt qua các thách thức từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại; cần nghiên cứu thêm chiến lược phát triển của các tập đoàn đa quốc gia, hiệp hội các nhà bán lẻ trên thế giới; cần đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới như siêu thị thực phẩm, cửa hàng tiện lợi.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nên tăng cường hợp tác để giữ vững thị phần, tránh việc hàng hóa ngoại lấn át và cạnh tranh giá cả. Việt Nam đang khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.

Do đó, phải quy định trong siêu thị, cửa hàng phải bán bao nhiêu phần trăm là hàng trong nước, bao nhiêu là hàng nước ngoài. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và các siêu thị lớn nhỏ của Việt Nam cần có những biện pháp kiểm soát hàng nhập để kích thích sự phát triển của hàng Việt Nam chất lượng cao, từ đó tạo điều kiện cho nền kinh tế trong nước phát triển./.

Liên kết để giữ vững thị phần-Bài 1: Cày xới mảnh đất vàng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục