Sẽ đầu tư bài bản hơn cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia

19:13' - 22/01/2016
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, năm 2016, để công tác xúc tiến thương mại đạt được hiệu quả, Bộ sẽ xây dựng chương trình XTTM quốc gia có bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Trước thềm năm mới 2016, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi nhanh với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải xung quanh các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong hội nhập và những hỗ trợ từ Bộ Công Thương để Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia 2016 đạt hiệu quả như mong đợi. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết về những việc đã làm được trong năm 2015 và Bộ Công Thương có những biện pháp gì để thực hiện hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trong năm 2016? 

- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Có thể đánh giá năm 2015, ngành công thương đã có nhiều đóng góp với 8,1% kim ngạch xuất khẩu vào sự phát triển kinh tế của đất nước, nhất là trong bối cảnh thị trường mà các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, nhiều nước xung quanh Việt Nam đều có sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu âm nhưng Việt Nam vẫn đạt được kim ngạch xuất khẩu trên 8%. Không những vậy, tổng mức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ ở trong nước cũng đáng khích lệ. Đóng góp trong thành tích chung đó, ngành công thương, nhất là công tác xúc tiến thương mại (XTTM); trong đó có chương trình XTTM quốc gia đóng góp vai trò quan trọng. 

Trong năm 2016, để công tác XTTM đạt được hiệu quả cũng như yêu cầu của Chính phủ về đổi mới công tác này thì chúng tôi đã có định hướng xây dựng chương trình XTTM Quốc gia và các họat động XTTM khác mang tính bài bản, chuyên nghiệp hơn, đi sâu vào một số sự kiện lớn với sự tham gia tổng hợp không những của ngành công thương, Bộ Công Thương mà còn có thêm các ngành khác, nhất là các địa phương và các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp. 

Ở nước ngoài, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam cũng như cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan xúc tiến của nước ngoài tại các thị trường mà chúng ta sẽ tổ chức các hoạt động về XTTM. 

Một điều nữa đó là sự liên kết trong các hoạt động XTTM theo vùng, theo các mặt hàng và nhất là sự phối kết hợp giữa cơ quan Trung ương là Bộ Công Thương, các Bộ ngành, các địa phương với các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp. Việc này xuất phát từ đề xuất các hoạt động XTTM phải dựa vào chính nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, với thị trường nhiều tiềm năng, thế mạnh như thị trường Trung Đông, châu Phi và với thị trường Nga và Đông Âu chúng tôi cũng rất chú trọng. 

Với sự liên kết, cùng một lúc nhiều hoạt động và sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và doanh nghiệp ở tại thị trường Liên bang Nga, sau 5 năm chúng tôi đang rà soát chương trình XTTM Quốc gia và sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, nâng cấp Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành những Nghị định hoặc thành những văn bản có tính pháp lý cao hơn. Điều này sẽ khắc phục những bất cập, khó khăn trong các quy định từ trước đến nay về XTTM và nhất là kinh phí dành cho XTTM hiện nay hết sức eo hẹp. 

* Phóng viên : Thưa ông, đưa hàng hóa Việt Nam vào các kênh phân phối cũng là hình thức XTTM nội địa, để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ thì Bộ Công Thương có chính sách hỗ trợ nào? 

- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải : Việc đưa hàng hóa Việt Nam vào kênh siêu thị, chúng tôi có 2 nội dung: 

Đó là ở ngay tại Việt Nam, chương trình XTTM Quốc gia thực hiện thông qua phối hợp với địa phương đưa hàng Việt về nông thôn, về miền núi biên giới, hải đảo và kể cả các Hiệp hội nhất là Hiệp hội bán lẻ. Việc này giúp hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, nông dân Việt Nam ngay tại các siêu thị Việt Nam. 

Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa. Ảnh minh họa: Tổng Cục Thủy sản)

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thực hiện được việc yêu cầu và phối hợp với các hệ thống siêu thị, nhà bán lẻ nước ngoài thông qua việc hỗ trợ họ mở rộng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam và họ sẽ giúp Việt Nam mở hệ thống bán hàng Việt ngay tại chính siêu thị của họ. 

Chẳng hạn trong thời gian vừa qua chúng ta đã làm tốt việc này tại Big C, Metro, Aeon và sắp tới sẽ còn mở ra thêm một số hệ thống bán lẻ khác của nước ngoài ngay tại thị trường châu Âu, Nhật Bản. 

* Phóng viên: Để thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển có thể cạnh tranh với các nhà bán lẻ lớn đến từ nước ngoài thì Bộ Công Thương có sẽ có những chính sách hỗ trợ như thế nào? 

- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải : Trước hết chúng ta phải hiểu rằng hiện nay Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, có nghĩa là Việt Nam và bất cứ nước ASEAN nào cũng có thể hiện diện tại một quốc gia khác. Thứ hai là việc tiêu thụ hàng sản xuất tại Việt Nam, hàng do các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nông dân Việt Nam sản xuất thì không những chỉ tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị, các cửa hàng do người Việt Nam làm chủ nhưng cũng có thể tiêu thụ với bất kỳ hệ thống siêu thị nào của kể cả nước ngoài tại Việt Nam. Điều này cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nông dân Việt Nam tiêu thụ hàng hóa của mình. 

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực siêu thị, bán lẻ thì quan trọng nhất không phải là việc chúng ta cung cấp cho họ vốn, hay các điều kiện ưu đãi nào đó mà là vấn đề địa điểm. 

Hiện nay, với doanh nghiệp Việt Nam, nếu có ưu đãi thì ưu tiên về địa điểm. Lưu ý bây giờ là kinh tế thị trường, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tạo dựng được vị thế, thương hiệu của mình nhưng sau đó lại bán cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, nếu chúng ta không cẩn thận thì khi ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng sau đó doanh nghiệp Việt Nam lại bán cho doanh nghiệp nước ngoài thì vô hình chung chúng ta lại ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài. 

*Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục