Lý do các nước Đông Phi phản đối Hiệp định Đối tác Kinh tế với EU

05:30' - 10/05/2017
BNEWS LHQ cảnh báo việc Cộng đồng Đông Phi phản đối ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế với EU vì cho rằng hiệp định sẽ không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và không mang lại sự giàu có cho công dân khu vực.
Lý do các nước Đông Phi phản đối Hiệp định Đối tác Kinh tế với EU. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế LHQ về châu Phi (UNECA), nếu ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA), các ngành công nghiệp địa phương sẽ phải vật lộn để chống lại áp lực cạnh tranh từ các công ty của EU, trong khi đó khu vực sẽ bị mắc kẹt với vai trò là một nước xuất khẩu hàng hóa giá trị thấp.

Một báo cáo của Ban Thư ký Cộng đồng Đông Phi (EAC) cho biết: "Nếu EPA được thực hiện thì khu vực này sẽ mất cơ hội thương mại với các đối tác khác, cũng như các cơ hội tăng sản lượng công nghiệp, phúc lợi và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)".

Tuy nhiên, những phân tích về tác động của hiệp định này đối với các nền kinh tế khu vực Đông Phi vẫn chưa được công bố và dự kiến sẽ được Hội đồng Bộ trưởng EAC thảo luận trong những ngày tới.

Báo cáo này có khả năng sẽ phân cực hơn nữa vai trò, vị thế của các thành viên trong EAC về EPA mà Kenya và Rwanda đã ký kết với EU. Hai nước này đã phản đối việc ủy nhiệm nghiên cứu tác động mà Tanzania yêu cầu hồi cuối năm ngoái.

Uganda cho biết sẽ chỉ ký kết EPA nếu có sự đồng thuận giữa các thành viên của EAC, trong khi Burundi từ chối ký thỏa thuận này cho đến khi EU bãi bỏ lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với nước này hồi năm 2015.

Một số nguồn tin cho biết Rwanda và Kenya đã thông báo họ sẽ không thảo luận về bản báo cáo này tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng EAC sắp tới. EPA giữa Đông Phi và EU hứa hẹn sẽ giúp hàng hóa Đông Phi được miễn thuế vào các thị trường châu Âu và đổi lại, Đông Phi sẽ mở cửa dần dần thị trường khu vực đối với các sản phẩm của EU.

Tuy nhiên, UNECA cho biết việc loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa xuất xứ từ châu Âu sẽ làm EAC gia tăng khoản lỗ doanh thu 1,15 tỷ USD mỗi năm. Thị trường Đông Phi sẽ mở cửa trong khoảng thời gian 25 năm và có thể tiếp cận tới 80% thị trường rộng lớn này.

Các phát hiện của UNECA đang mâu thuẫn trực tiếp với báo cáo năm 2014 của Ủy ban châu Âu (EC) khi báo cáo này cho thấy EAC sẽ bùng nổ về kinh tế do tiếp cận với các thị trường tiềm năng EU.

Ông David Luke, Điều phối viên của Trung tâm Chính sách Thương mại châu Phi tại UNECA, nêu rõ thỏa thuận với châu Âu sẽ là tai họa trừ phi các nước EAC có thể xác định rõ ngành công nghiệp non nớt của họ là gì, cũng như xác định các tiểu ngành mà họ muốn bảo vệ.

Ông Luke nói: "Mặc dù EPA tôn trọng các chương trình hội nhập khu vực, nhưng chính hiệp định này lại làm phức tạp thêm quá trình hội nhập đó. Gánh nặng sẽ càng nặng thêm thông qua các điều khoản làm phức tạp hoặc mâu thuẫn với các hiệp định mà các quốc gia châu Phi đã ký hoặc sắp ký".

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế của EAC Francois Kanimba cho rằng báo cáo trên là một "công cụ chính trị" và là một bước đi trong các cuộc đàm phán lâu dài để đảm bảo một thỏa thuận tích cực giữa EAC với EU.

Theo ông Kanimba, ngay cả Uganda - quốc gia vẫn chưa đưa ra quyết định về EPA - đã lập luận rằng việc đề cập đến báo cáo trong cuộc họp của các bộ trưởng sắp tới là "không đúng bởi vì không có sự nhất trí trước khi thực hiện".

Ông Kanimba nói: "Các cuộc đàm phán này đã kéo dài hơn 7 năm và đã được tiến hành ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn đối với các ngành công nghiệp và nền kinh tế non trẻ của chúng ta.

Không thể mong đợi quá nhiều vào một thỏa thuận trong khi chẳng đóng góp gì cho thỏa thuận đó, nhưng lại muốn có được mọi thứ. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo việc tiếp cận thị trường EU với điều kiện miễn thuế và miễn hạn ngạch, đây là một lợi ích to lớn đối với tất cả các nước trong khu vực".

Theo tác giả Mugisha, EAC đã thương lượng về EPA từ năm 2007 và sự khác biệt hiện nay phản ánh các chiến lược kinh tế khác nhau của các quốc gia thành viên.

Rwanda có một nền công nghiệp nhỏ đang theo đuổi chiến lược tăng trưởng dựa trên việc xây dựng nền kinh tế tri thức, trong khi Kenya có nền công nghiệp khá phát triển và nhận thấy rất ít bị tác động xấu từ EPA giữa EAC và EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục