Lý do khiến Canada trì hoãn tiến trình đàm phán FTA với Trung Quốc

05:30' - 16/12/2017
BNEWS Áp lực phản đối quá lớn từ trong nước khiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau buộc phải trì hoãn kế hoạch khởi động tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Trung Quốc.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường ngày 4/12, ông Trudeau cho biết hai bên sẽ chỉ tiếp tục thăm dò về khả năng khởi động đàm phán FTA. Ông Trudeau không cho biết lý do đi đến quyết định này, nhưng nói rõ Canada muốn có một thỏa thuận tốt hơn với Trung Quốc.
Ông nói với các phóng viên tại Bắc Kinh: “Những thỏa thuận chúng tôi xúc tiến sẽ phải đảm bảo lợi ích của Canada và tôi nghĩ rằng người dân Canada mong đợi chúng tôi đảm bảo rằng mọi thỏa thuận thương mại đều tốt cho họ".

Ông Trudeau khẳng định “không có bất kỳ vấn đề cụ thể nào ngáng trở các cuộc đàm phán” mà đơn giản chỉ vì hai bên đều nhận thức rằng đây là một quyết định quan trọng cần được cân nhắc thận trọng.
Theo ông Trudeau, Canada muốn có một hợp đồng tham vọng hơn. Theo kế hoạch trước đó, ông Trudeau dự kiến sẽ khởi động tiến trình đàm phán FTA với Trung Quốc trong chuyến thăm nước này từ ngày 3-7/12, đưa Canada trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 xúc tiến FTA với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Tuy nhiên, kế hoạch này liên tục vấp phải các luồng ý kiến quan ngại và dư luận phản đối gay gắt trong nước ngay từ trước khi ông lên đường. Theo các cuộc thăm dò gần đây, phần lớn người dân và doanh nghiệp Canada lo ngại về những tác động mặt trái của FTA với Trung Quốc, nhất là trong việc bảo vệ các giá trị cơ bản và lợi ích quốc gia.
Việc Canada và Trung Quốc hoãn kế hoạch khởi động đàm phán FTA song phương là điều khá bất ngờ và trái ngược với tuyên bố trước đó của Đại sứ Trung Quốc tại Canada.

Trong tuyên bố đưa ra hồi đầu mùa Thu, Đại sứ Trung Quốc khẳng định ông Trudeau sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu và doanh nghiệp sang Trung Quốc để đánh dấu điểm khởi đầu cho tiến trình đàm phán song phương.
Hiện tại chưa biết hai bên sẽ lùi thời hạn đàm phán đến thời điểm nào, nhưng có thể sẽ không quá lâu. Canada hiểu rằng là một nước thành viên G7, họ không thể đặt tiền lệ xấu trong việc theo đuổi FTA có tiêu chuẩn thấp. Trung Quốc có thể cũng không muốn điều đó.
Thủ tướng Trudeau giải thích: “Trung Quốc ý thức rất rõ đây là lần đầu tiên thảo luận FTA với một nước thành viên G7 nên chúng tôi muốn đảm bảo rằng mình đang hành động đúng”.
Về phần mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường một mặt xác nhận hai bên sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán thăm dò và nghiên cứu khả thi, mặt khác khẳng định Trung Quốc cởi mở với các cuộc đàm phán cho dù giữa hai bên vẫn còn quan điểm khác biệt về quy mô của thỏa thuận cuối cùng. Trung Quốc muốn có một thỏa thuận tương tự như FTA đã ký với Australia, trong khi Canada muốn có một FTA hiện đại và toàn diện.
Trên thực tế, Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách thúc đẩy đàm phán thương mại tự do với Ottawa với hy vọng có thể tiếp cận gần hơn với thị trường Mỹ và tạo đòn bẩy giúp họ mở thêm các cuộc đàm phán thương mại với các nước thành viên khác trong G7.
Đáp lại, chính phủ của ông Trudeau cũng mong muốn đẩy nhanh tiến trình khởi động đàm phán FTA với Trung Quốc trong chiến lược xoay trục thương mại sang châu Á để đối phó với sự bất ổn trong quan hệ với Mỹ và bù đắp phần nào những thiệt hại do chính sách cứng rắn với Trung Quốc trước đây của Chính phủ Bảo thủ tiền nhiệm của Thủ tướng Stephen Harper gây ra.

Hồi đầu năm nay, Canada đã quay lưng lại với Mỹ khi quyết định tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, một thể chế tài chính đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ "chống lưng".
Những cuộc đàm phán căng thẳng về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hiện nay càng thôi thúc chính phủ của ông Trudeau tìm cách xích lại các thị trường mới, trong đó có Trung Quốc, để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng viết lại NAFTA theo hướng giảm bớt các lợi thế mà Canada có thể thu được từ thỏa thuận thương mại quan trọng nhất trong khu vực. Tương lai của thỏa thuận này vẫn còn là một dấu hỏi lớn khi Canada và Mexico đã thẳng thắn bác bỏ một số yêu cầu “phi lý” của Mỹ.
Những người ủng hộ FTA với Trung Quốc lập luận rằng những lợi ích đối ứng mà Canada có thể thu được từ việc cho phép Trung Quốc tiếp cận tốt hơn thị trường Canada sẽ lớn hơn rất nhiều so với những thiệt hại có thể có.

Báo cáo của Phòng Thương mại Canada công bố hồi tháng 9/2017 cũng cho biết FTA Canada-Trung Quốc sẽ nâng sản lượng kinh tế hàng năm của nước này thêm 7,8 tỷ CAD vào năm 2030 và tạo ra tới 25.000 việc làm mới. Những người được hưởng lợi chính là các nhà sản xuất nông nghiệp, công nghệ hoặc nhiên liệu.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Canada dường như không mấy lạc quan khi cho rằng những vấn đề gai góc nhất trong thương mại song phương với Trung Quốc sẽ không được giải quyết thông qua FTA.

Các cuộc tham vấn với người dân cũng cho thấy nhiều người quan ngại FTA với Trung Quốc sẽ “làm giảm các cam kết của Canada đối với những giá trị cơ bản” và đe dọa “thị trường việc làm cũng như khả năng cạnh tranh của Canada trong một số lĩnh vực nhất định, nhất là trong ngành khai mỏ và phụ trợ sản xuất”.
Rõ ràng việc hai nước không thể khởi động tiến trình tái đàm phán FTA song phương theo kế hoạch cho thấy giữa hai bên còn rất nhiều việc cần làm. Tuy nhiên, theo đánh giá của cựu Tham tán Trung Quốc tại Canada Jiang Shan, điều này cũng “không đáng thất vọng” vì hai bên “đang đi đúng hướng”.

Đây cũng là quan điểm của nhà quản lý Robert Kwauk thuộc công ty Blake, Cassels & Graydon LLP. Ông Kwauk nhận định rằng việc hai bên chưa đạt được nhất trí cho thấy họ đang đặt những vấn đề gai góc nhất lên mặt bàn, để không gây ra hiểu lầm về sau này. Nhà quản lý này ủng hộ một FTA được đàm phán thận trọng vì trong thương mại, đôi khi lợi ích của nước này lại là thua thiệt của nước khác.
Trong bài phân tích trên trang Global and Mail, cựu Đại sứ Canada tại Mỹ Derek Burney và Giáo sư Fen Osler Hampson tại Đại học Carleton đã đưa ra các lý do giải thích tại sao Canada cần theo đuổi quan hệ thương mại với Trung Quốc và mục đích chính trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Theo hai tác giả, trên thực tế, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và ảnh hưởng địa chính trị ngày càng lớn của nước này là điều không thể phủ nhận. Kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ 7% mỗi năm và sẽ sớm soán ngôi Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Canada ngày càng tụt hậu so với các nước như Australia, một đối thủ cạnh tranh tự nhiên trong khu vực, để rồi có nguy cơ bị gạt sang bên lề trước những thay đổi đang diễn ra.
Trước hết là những ý kiến lo ngại cho rằng sáng kiến thương mại tự do với Trung Quốc có thể sẽ hủy hoại nỗ lực tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang diễn ra. Trên thực tế, yếu tố chính quyết định bất kỳ một cuộc đàm phán thương mại nào là liệu Canada có thể bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích của mình hay không.
Thúc đẩy FTA với Trung Quốc hoàn toàn có thể tạo đòn bẩy cho Canada trong việc tái đàm phán NAFTA vào thời điểm các vòng đàm phán hiện nay dường như dậm chân tại chỗ. Thành công của FTA Canada-Trung Quốc không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm và dịch vụ của Canada, mà còn hạn chế việc phải phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ năng lượng ở Mỹ, vốn đang được bán với mức giá thấp hơn nhiều so với giá bình quân thế giới.
Một số người khác lại lo lắng việc khởi động đàm phán với Trung Quốc có thể làm giảm các nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thực ra, Canada sẽ chẳng gặp trở ngại nào khi theo đuổi cả hai thỏa thuận này.

Australia là một ví dụ. Nước này đã có FTA với Trung Quốc và cũng đang tham gia đàm phán CPTPP. Tất nhiên, Canada sẽ có nhiều việc phải làm trong CPTPP sau khi phải miễn cưỡng chấp nhận “những yếu tố cốt lõi” của CPTPP trong cuộc họp ở Đà Nẵng. 
Đối với Canada hiện nay, mục tiêu ưu tiên hàng đầu là phải hành động vì lợi ích quốc gia thông qua việc cải thiện và bảo vệ cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc, nơi đang chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu đối với phần lớn sản phẩm của Canada. Bất kỳ thoả thuận nào cũng cần được xem xét căn cứ vào điều kiện thực tế, chứ không phải dựa trên cảm tính hay mong muốn.
Để có thể thu được lợi ích từ FTA với Trung Quốc, Canada cần phải có đủ cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bán và vận chuyển năng lượng sang Trung Quốc. Muốn vậy, chính phủ nước này cần phải hành động quyết đoán hơn và khẩn trương giải quyết các vấn đề.
Trước đây, Chính phủ của cựu Thủ tướng Pierre Trudeau cũng đã theo đuổi chính sách “Lựa chọn thứ 3” để cân bằng quan hệ với Mỹ thông qua việc đặt trọng tâm chiến lược vào châu Á và châu Âu.

Hiện nay, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) đã được ký với châu Âu, CPTPP đang được thảo luận với châu Á-Thái Bình Dương và triển vọng thảo luận FTA với Trung Quốc, thậm chí cả Ấn Độ, sẽ sớm diễn ra, Chính phủ Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau hoàn toàn có thể hiện thực hoá chính sách cân bằng quan hệ của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục