Canada và vai trò cầu nối giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên

05:30' - 13/12/2017
BNEWS Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết nước này đang tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, song Canada có thể làm gì để hóa giải cuộc khủng hoảng này?
Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc họp báo. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bài viết đăng trên trang Global and Mail, tác giả Robert Fire, Trưởng Văn phòng đại diện AP tại Ottawa, dẫn lời bà Freeland khẳng định nỗ lực ngoại giao trên nhằm ngăn chặn những hành động "gây hấn nguy hiểm" tiếp theo của Bình Nhưỡng.

Mặc dù thừa nhận mối đe dọa hạt nhân đang ngày càng gia tăng, song bà Freeland không cho biết giờ đã đến lúc Canada cần tham gia chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ hay liệu Chính phủ Canada có tin tưởng Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ Canada trong khuôn khổ hoạt động của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) hay không. 

Trước đó, trong một tuyên bố được đưa ra hồi tháng 5/2017, Phó Tư lệnh NORAD, Trung tướng Pierre St-Amand, nói rằng Mỹ sẽ không can thiệp nếu Canada bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Trong một tuyên bố riêng rẽ sau đó, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Canada, Tướng Jonathan Vance, xác nhận Canada vẫn chưa thảo luận với Mỹ về việc tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa dù hai bên đã lên kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng không của NORAD.

Mỹ đã chi hơn 100 triệu USD để trang bị hệ thống máy bay đánh chặn trên biển và đất liền nhằm tạo thành hệ thống lá chắn tên lửa này. 

Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo Hwasong-15 có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 13.000 km, đủ để đặt thủ đô Washington DC của Mỹ và tất cả các thành phố của Canada trong tầm ngắm. Một số chuyên gia dự đoán nhiều khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, theo bà Freeland, hiện vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh mối liên hệ giữa trọng lượng của đầu đạn hạt nhân với quỹ đạo tên lửa. Bà cũng tỏ ý nghi ngờ khả năng tên lửa Hwasong-15 mang đầu đạn hạt nhân có thể tồn tại trong khí quyển và tấn công mục tiêu ở Bắc Mỹ.

Mặc dù vậy, không ai có thể phủ nhận những quan ngại đang hiện hữu trước việc gia tăng tần suất và cấp độ nguy hiểm trong các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngay sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, bà Freeland khẳng định sẽ cùng Mỹ chủ trì một hội nghị quốc tế về vấn đề Triều Tiên vào đầu năm tới. 

Về quan điểm của Canada tại hội nghị sắp tới, bà Freeland cho biết Ottawa sẽ đặt trọng tâm vào việc gây áp lực ngoại giao và kinh tế. Bà Freeland  khẳng định: “Chúng tôi đang tăng gấp đôi nỗ lực trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta cần duy trì áp lực và điều quan trọng phải là áp lực quốc tế để Triều Tiên thực sự hiểu rằng các hành động của họ đang gây bất ổn cho cả thế giới”. 

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trong vai trò nước chủ nhà, Canada có thể làm gì để giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên? Trong bài viết khác cũng đăng trên trang Global and Mail, cựu Đại sứ Canada tại Hàn Quốc (2004-2007) kiêm nhiệm Triều Tiên (2005 -2007) Marius Grinius cho rằng Canada “có thể là một lựa chọn tốt cho vai trò chủ trì hội nghị quốc tế về Triều Tiên vì không có mối liên quan trực tiếp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc”.

Canada đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên năm 2001 để hỗ trợ “Chính sách Ánh dương” của Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Sự công nhận ngoại giao này được thúc đẩy trong bối cảnh dư luận thế giới nhìn chung đều hoài nghi về vai trò lãnh đạo của nhà nước Triều Tiên, nhất là sau khi chứng kiến nạn đói khủng khiếp xảy ra những năm 1990 và đặc biệt là tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Không chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, Canada từ lâu cũng đã tránh xa việc can dự sâu vào vấn đề Triều Tiên, ngoại trừ những tuyên bố ngoại giao lên án các vụ thử tên lửa và hạt nhân, hay chỉ tuân thủ chiếu lệ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ). Tính đến nay, LHQ đã áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên nhưng có quá nhiều lỗ hổng.

Trung Quốc cũng đã hối thúc Bình Nhưỡng ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo, song không mang lại hiệu quả. Cựu Đại sứ Grinius cho rằng dù quan hệ Trung - Triều đang có biểu hiện xấu đi, nhưng Bắc Kinh chắc chắn sẽ không để Triều Tiên sụp đổ.

Hiện tại, Bắc Kinh đang phối hợp với Moskva kêu gọi áp dụng phương thức “trao đổi đóng băng", theo đó Triều Tiên sẽ ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, đổi lại Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự hỗn hợp hàng năm.

Tuy nhiên, đề xuất này không được cả hai bên chấp thuận. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với các thực thể Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên cũng chỉ mang lại rất ít kết quả, thậm chí không tác động gì đến tham vọng của Bình Nhưỡng muốn phát triển tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới Bắc Mỹ.  

Trong bối cảnh đó, Canada có thể thực sự làm gì? Trong một tuyên bố hồi tháng trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau để ngỏ khả năng sẽ làm việc với Cuba, một chính thể có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Triều Tiên, để tìm kiếm giải pháp ngoại giao phù hợp. Tuy nhiên, bà Freeland nói rằng Cuba có thể sẽ không làm cầu nối giúp họ.

Vậy quân bài tiếp theo Canada có thể sử dụng sẽ là Cố vấn An ninh Quốc gia của Thủ tướng Trudeau, người đầu năm nay đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng và thuyết phục thành công Chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trả tự do cho mục sư Hyeon Soo Lim sau 2 năm giam giữ vì tội “chống lại nhà nước Triều Tiên”. 

Tất nhiên, mọi việc sẽ không dễ dàng khi cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay có quá nhiều nút thắt. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cương quyết theo đuổi chính sách cứng rắn, khác hẳn với chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama.

Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc tuy ủng hộ các lệnh trừng phạt của LHQ và muốn đối thoại với Triều Tiên, nhưng lại đang căng thẳng với nhau và với Trung Quốc. Vì thế, không nước nào trong số này thực sự biết nên làm gì tiếp theo với Triều Tiên - một quốc gia luôn coi năng lực hạt nhân và tên lửa là 2 lá chắn quan trọng bảo vệ sự tồn vong của chế độ bên cạnh các kho dự trữ vũ khí hoá học và sinh học lớn.

Đây chính là lúc để Canada thể hiện vai trò kiến tạo và là cầu nối giải quyết hòa bình các tranh chấp. Hội nghị quốc tế vào đầu năm tới không chỉ là điểm khởi đầu cho những nỗ lực tiếp theo trong vấn đề Triều Tiên, mà còn khẳng định cam kết chính trị và an ninh của Canada đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tại đó nước này chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích khi góp mặt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục