Mô hình phát triển thành phố thông minh Yokohama - kinh nghiệm cho Đà Nẵng

11:26' - 14/07/2017
BNEWS Yokohama đã có bước chuyển mình “thần kỳ” trong phát triển đô thị, nhất là đô thị thông minh. Đây là mô hình đang có sự lan tỏa và là bài học mà nhiều thành phố trên thế giới có thể học tập.
Yokohama đã thay đổi hoàn toàn từ một đô thị có môi trường sống suy thoái thành một đô thị đáng sống. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN.

Trong khuôn khổ của Chương trình kỷ niệm 50 năm thành lập khối ASEAN, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức đưa 10 nhà báo của ASEAN đến thăm và tìm hiểu về mô hình phát triển đô thị thành phố thông minh của Yokohama.

Dưới đây là những ghi nhận của phóng viên TTXVN (trong thành phần đoàn tham dự chương trình của JICA) về kinh nghiệm phát triển của thành phố Yokohama.

Từ bài học chuyển mình...

Trong những năm 1960, Yokohama đã phải đối mặt với các vấn đề như sự bùng nổ dân số và sự lộn xộn trong phát triển công nghiệp khiến người dân nơi đây phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm không khí và nguồn nước, tắc nghẽn giao thông và một đô thị “lộn xộn”.

Trước tình hình đó, năm 1965, chính quyền thành phố đã công bố 6 dự án chủ lực như là giải pháp để giải quyết vấn đề đô thị. Yokohama đã thực hiện một loạt biện pháp như kiểm soát đô thị hóa ¼ diện tích thành phố ở khu vực trung tâm, xây dựng khu đô thị mới với diện tích hơn 1.300 ha, xây dựng cầu qua vịnh, đường cao tốc, đường sắt, lấn biển, cắt giảm khoảng 40% lượng khí thải…. Thành phố cũng có nhiều sáng kiến về bảo vệ môi trường, thiết kế đô thị, phòng chống thiên tai…

Chính quyền đô thị tại đây rất quan tâm đến sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân và người dân của mình. Yokohama đã triển khai một loạt các dự án phát triển và các biện pháp điều tiết, tất cả đều được xây dựng nhằm bảo đảm có tính đồng bộ và nhất quán với nhau, bảo đảm thực hiện dài hạn cũng như có sự tham gia chủ động của người dân và khu vực tư nhân.

Chính quyền đô thị tại Yokohama đã triển khai nhiều dự án sử dụng các nguồn thay thế khác như mặt trời, gió và điện hạt nhân, các nguồn này được khai thác với khối lượng lớn. Năng lượng đó sau đó được phân phối cho các tòa nhà, nhà cửa và xe điện kết nối với nhau thông qua "lưới thông minh", theo dõi việc sử dụng trong toàn mạng để tối đa hóa hiệu quả.

Yokohama đã phát triển trở thành đô thị lớn thứ 2 và là một trong những cảng quốc tế chính của Nhật Bản, đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp nặng. Đây là một trong những nơi đáng sống nhất trên thế giới, có môi trường sống tiêu chuấn, được khách du lịch trong và ngoài nước lựa chọn làm điểm đến.

Kết quả là Yokohama đã thay đổi hoàn toàn từ một đô thị có môi trường sống suy thoái thành một đô thị đáng sống, thân thiện với môi trường, có cơ sở kinh tế vững mạnh.

Các quan chức thành phố đặt mục tiêu biến Yokohama là một đô thị hiện đại phát thải thấp - một mô hình mà họ hy vọng có thể thuyết phục các thành phố khác học tập.

... đến thúc đẩy hợp tác quốc tế

Với nền tảng kinh nghiệm thu được, Yokohama đã và đang thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua các mô hình thành phố kết nghĩa, đô thị đối tác, CITYNET… với nhiều đô thị ở các quốc gia khác nhau.

Để tiếp tục theo đuổi hợp tác quốc tế, từ tháng 10/2011, Yokohama đã trở thành thành phố đầu tiên ký kết với JICA thoả thuận đối tác Y-PORT (Chương trình Hợp tác của Yokohama về nguồn lực và công nghệ theo mô hình đối tác công – tư).

Thành phố Yokohama hiện đã hợp tác với ba thành phố là Cebu (Philippines), Đà Nẵng (Việt Nam) và Bangkok (Thái Lan). Lãnh đạo thành phố Yokohama cho rằng, cơ chế hợp tác thành phố - thành phố là hình thức hết sức quan trọng khi cơ chế hợp tác cấp quốc gia chỉ thường tập trung vào từng lĩnh vực cụ thể.

Ông Toru Hashimoto, Trưởng phòng Hợp tác phát triển của thành phố Yokohama trao đổi với các Nhà báo ASEAN trong khuôn khổ chương trình của JICA. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Ông Toru Hashimoto, Trưởng phòng Hợp tác phát triển của thành phố Yokohama cho biết: “Chúng tôi tin tưởng sự hỗ trợ chặt chẽ sẽ gắn kết những lĩnh vực khác biệt giữa các thành phố với nhau. Đó là tiềm năng trong mô hình hợp tác giữa thành phố - thành phố”.

Trao đổi với phóng viên của TTXVN, ông Toru Hashimoto, Trưởng phòng Hợp tác phát triển của thành phố Yokohama cho biết, tại Việt Nam, thành phố Đà Nẵng cũng giống như Yokohama trước đây. Đà Nẵng là đô thị đang phát triển, cũng đang và sẽ gặp những vấn đề đô thị tương tự mà Yokohama đã trải qua.

Cụ thể, như: tăng trưởng kinh tế và dân số nhanh dẫn đến tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, khan hiếm hạ tầng và xã hội, suy giảm chất lượng sống, giảm khả năng ứng phó với thiên tai, khó khăn trong quản lý đô thị.

Ông Toru Hashimoto khẳng định: “Những gì chính quyền Yokohama đã làm chắc chắn sẽ là những kinh nghiệm quý báu để giúp thành phố Đà Nẵng của Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng trong quá trình phát triển đô thị”.

Tại Đà Nẵng, Yokohama đã đề xuất với JICA nhiều kế hoạch hợp tác và đã có những chương trình hợp tác cụ thể trong việc giải quyết những vấn đề đô thị Đà Nẵng hiện nay.

Đà Nẵng và Yokohama đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP (đối tác công tư); áp dụng cơ chế tín chỉ chung (JCM) của Nhật Bản để lắp đặt, thay thế máy bơm hiệu suất cao cho Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng; xúc tiến các dự án quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố…/.

Xem thêm:

>> Bài học từ Nhật Bản: Phát triển đô thị hài hòa với môi trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục