Bài học từ Nhật Bản: Phát triển đô thị hài hòa với môi trường

17:06' - 12/07/2017
BNEWS Nhật Bản đã gặt hái được thành công với nhiều bài học trong phát triển đô thị mà Việt Nam có thể tham khảo.

Nhật Bản đã có thời gian phải đối mặt với thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng và đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, Nhật Bản đã gặt hái được thành công với nhiều bài học trong phát triển đô thị mà Việt Nam có thể tham khảo.

Dưới đây là những nội dung chia sẻ của ông Kosaku Dairokuno, Giáo sư khoa Kinh tế và Khoa học chính trị trường Đại học Meiji Nhật Bản tại buổi nói chuyện với 10 nhà báo đến từ các nước ASEAN trong khuôn khổ chương trình do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập khối ASEAN.

Ông Kosaku Dairokuno, Giáo sư khoa Kinh tế và Khoa học chính trị trường Đại học Meiji Nhật Bản. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Những định hướng chính sách

Nhật Bản đã phải đối mặt với thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao, do dân số gia tăng quá nhanh, tập trung tại các đô thị lớn nên tình trạng đô thị phát triển tràn lan, tự phát đã xảy ra.

Đối phó với tình trạng này, Nhật Bản đã đưa ra phương pháp hạn chế mở rộng đô thị, kiểm soát mở rộng đô thị, đưa ra kế hoạch xây dựng hạ tầng đô thị bằng hệ thống phân chia thành các khu vực, bao gồm khu vực điều chỉnh đô thị, khu vực hóa đô thị, mở rộng khu vực đô thị hóa.

Trong thời kỳ này, Nhật Bản mở rộng và phát triển đô thị bằng cách xây dựng các khu đô thị mới. Với mục tiêu phát triển đô thị hài hòa với môi trường, hiện nay Nhật Bản đã và đạt được các thành tựu trong việc xây dựng các mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh và sinh thái.

Các dự án phát triển đô thị gồm: Dự án phát triển khu dân cư đô thị và các dự án xây dựng hạ tầng. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể có thể giao cho các đối tác có đủ tiềm lực về tài chính và chuyên môn thực hiện.

Các dự án này đều yêu cầu đảm bảo chất lượng môi trường đô thị và làm hài lòng các nhóm lợi ích tham gia phát triển. Dự án phát triển khu dân cư đô thị được phân thành 2 loại: Dự án phát triển đô thị mới gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế và dự án tái phát triển khu dân cư hiện có.

Dự án góp phần chính xác hoá các bản quy hoạch chung đô thị, trên nền tảng các dự án được xác định theo thứ tự ưu tiên, việc lập dự án khả thi được tiến hành. Trong các khu vực lập dự án, việc cấp giấy phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng tới việc xây dựng công trình kiến trúc đều được coi trọng.

Thành phố Tokyo được quy hoạch với tầm nhìn và mục tiêu phát triển về hạ tầng, môi trường, an ninh, văn hóa, du lịch và công nghiệp trình độ cao. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN
Sự phát triển đô thị của Nhật Bản hướng tới đô thị hài hòa thân thiện với môi trường được thể hiện rõ ở Tokyo. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Thành phố Tokyo được quy hoạch với tầm nhìn và mục tiêu phát triển về hạ tầng, môi trường, an ninh, văn hóa, du lịch và công nghiệp trình độ cao. Để thực hiện quy hoạch và đạt được mục tiêu đề ra, chính quyền Tokyo đã thiết lập Trung tâm “Xây dựng thành phố giảm thiểu carbon” và “Xây dựng đô thị xanh” để lập và tiến hành các dự án chiến lược chính.

Tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển đất nước, Nhật Bản khuyến khích giảm phát thải bằng các biện pháp tự nguyện.

Tokyo đã triển khai một số dự án/chương trình điển hình như: Chiến lược sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng; Đô thị sử dụng tối đa hóa năng lượng tái tạo; Xây dựng hệ thống giao thông bền vững; Phát triển các công nghệ môi trường mới và tạo lập lĩnh vực kinh doanh về môi trường, chuyển dịch sang giảm thiểu carbon.

Một dự án trọng tâm là phục hồi cảnh quan Tokyo dựa trên yếu tố mặt nước và các hành lang xanh. Dự án này góp phần tạo dựng việc kết nối các không gian xanh hiện hữu cũng như phát triển thêm các không gian xanh mới.

Để các dự án/chương trình này đi vào hiện thực, chính quyền thành phố cũng có các chính sách để đảm bảo tất cả các bên liên quan từ các cấp chính quyền tới khối tư nhân và người dân đều tham gia vào việc thực hiện quy hoạch.

Chính vì vậy, tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo là thành phố mở đầu cho Chiến lược phát triển thành phố hàm lượng carbon thấp.

Chính sách của thủ đô Tokyo là công cụ chính được sử dụng nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí của thành phố; trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp và thương mại - là 2 ngành chiếm một nửa tổng lượng phát thải của thành phố.

Tokyo đã đi trước Chính phủ Nhật Bản trong việc thiết lập nhiều chính sách kiểm soát ô nhiễm, nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN.

Có thể nói, tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo đã đi trước Chính phủ trong việc thiết lập nhiều chính sách kiểm soát ô nhiễm, nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Tokyo đã kêu gọi giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 và 80% vào năm 2050, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách thiết lập những khuôn khổ thích hợp cho năng lượng tái sinh, công nghệ bảo tồn năng lượng và các hệ thống vận chuyển đa hình thái.

Các chính sách về môi trường của Tokyo thể hiện quyết tâm đem lại một môi trường trong sạch và an toàn cho toàn bộ người dân thành phố, bảo vệ môi trường phải song hành cùng tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ Nhật Bản cũng đề cao vai trò đi đầu của chính quyền Tokyo và mô hình của Tokyo đã được nhân rộng cho hầu hết các thành phố của Nhật Bản, thậm chí còn lan sang các nước láng giềng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục