Mở rộng thị trường xuất khẩu tôm - Bài 1: Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất

10:45' - 27/11/2017
BNEWS Vấn đề quy hoạch và đầu tư vùng nguyên liệu tôm đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết để phục vụ cho xuất khẩu, đặc biệt là vùng nguyên liệu chất lượng, tạo lòng tin vững chắc với người tiêu dùng quốc tế.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Con tôm hiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế cao. Vấn đề quy hoạch và đầu tư vùng nguyên liệu tôm đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết để phục vụ cho xuất khẩu, đặc biệt là vùng nguyên liệu chất lượng, tạo lòng tin vững chắc với người tiêu dùng quốc tế.
Nâng chất lượng để đáp ứng thị trường
Hiện, con tôm Việt Nam đã có mặt ở khắp 100 thị trường trên thế giới, chiếm được lòng tin của khách hàng bởi chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Không những vậy, đã có không ít doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp đến vùng nuôi tôm nguyên liệu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long để kiểm chứng.
Theo ông Mã Văn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, trong khoảng 3 tháng qua, Hợp tác xã Hòa Đê đã đón rất nhiều đại diện doanh nghiệp nước ngoài đến Hợp tác xã kiểm chứng quy trình nuôi tôm sạch trên ruộng lúa, không dùng hóa chất xử lý nước thải cũng như vùng nuôi của Hợp tác xã.
Cũng theo ông Hồng, trong quá trình nuôi tôm, nông dân cũng chỉ dùng men vi sinh để khử trùng ao tôm và dùng tỏi để chữa trị khi con tôm bị bệnh. Trong mùa mưa, lúc sản xuất lúa, nông dân cũng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón hóa học để sản xuất, thậm chí không cày bừa đáy ao để xử lý rơm rạ. Với cam kết "không hóa chất, không kháng sinh, sẵn sàng chấp nhận mọi cuộc kiểm tra", Hợp tác xã Hòa Đê đã thành công một nửa trong việc tạo đường đi vững chắc cho con tôm.
Đầu tư vùng nguyên liệu sạch, nuôi tôm theo phương pháp sinh thái hiện đang là phương pháp được ưa chuộng của người tiêu dùng thế giới. Với phương pháp này, sản phẩm tạo ra được đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Một minh chứng thuyết phục đó là đánh giá của bà Megan Bloomer, Đại diện nhà máy chế biến tôm Cheesecake (Mỹ).
Bà Magan Bloomer nhận xét rằng, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long nuôi tôm nhỏ lẻ mà theo tiêu chuẩn sạch là điều rất đáng quý. Bởi, nuôi nhỏ lẻ thường không cho lợi nhuận lớn, lại khó kết nối với người tiêu thụ rộng rãi. Hiện nay, thị trường toàn cầu cũng có nhiều tiêu chuẩn chất lượng khác nhau, người nuôi tôm cần biết sản phẩm bán cho ai, yêu cầu chứng nhận gì để đáp ứng khách hàng cho đúng. Điều này nhằm tiết kiệm chi phí mà cũng đạt hiệu quả kinh tế cao.
Không riêng người nuôi tôm của Việt Nam, mà nông dân Mỹ cũng có tình trạng tiêu tốn hàng trăm nghìn USD cho chứng nhận nhưng không có kết quả gì. Như vậy mới thấy được, những người đạt hiệu quả tốt là nhờ hợp tác với doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp phân phối, xác định rõ nhu cầu của người tiêu dùng để đáp ứng đúng.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN

Trong xu thế phát triển công nghệ số 4.0, thì không chỉ công nghệ nuôi trồng, chế biến nông sản thay đổi rất nhanh mà nhu cầu thị trường cũng biến động nhanh không kém. Để đáp ứng được tốc độ thay đổi này thì mức độ tương tác giữa người sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ cũng phải "thần tốc".
Cụ thể, là phía người nuôi phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận những đợt kiểm tra chất lượng đột xuất, tạo lòng tin tuyệt đối cho những người tiêu dùng khó tính. Có như vậy thì sản phẩm làm ra dù chưa ra khỏi ao cũng đã không còn là sở hữu của người nuôi, ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng nhấn mạnh.
Hướng đến 50% tỷ trọng tôm toàn cầu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện nay, sản lượng tôm của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới đã chiếm 45% sản lượng tôm toàn cầu. Với mục tiêu được đề ra từ đầu năm 2017, phấn đấu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, thì việc mở rộng quan hệ hợp tác với các tập đoàn nhập khẩu tôm nước ngoài là điều quan trọng.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc nâng tỷ trọng tôm Việt Nam đạt mức 50% toàn cầu. Vì vậy, nhiều chuyên gia ngành tôm cho rằng, ngành tôm phải biến những cơ hội mở rộng thị trường thành hiện thực bằng phương pháp thay đổi cách thức sản xuất, đa dạng sản phẩm và tư duy bán hàng so với hiện nay.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, bên cạnh những thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, thì nhu cầu tiêu thụ tôm Việt Nam của Nhật Bản đang tăng cao và được kỳ vọng sẽ là thị trường ổn định trong thời gian dài. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng trở thành điểm dịch chuyển mới của mặt hàng tôm.
Mặc dù vậy, theo nhiều doanh nghiệp, tính ổn định của thị trường Trung Quốc không cao, do đó các doanh nghiệp vừa liên kết hợp tác xuất khẩu vừa phải thường xuyên thăm dò tính ổn định của thị trường này. Ngoài hai thị trường nêu trên, Hàn Quốc, Australia và Brazil đang là những thị trường tiềm năng cho tôm Việt Nam, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm, nâng tỷ trọng ngành tôm trong thời gian tới.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty thủy sản Minh Phú, Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Không những vậy, việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp sẵn sàng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nuôi tôm, đa dạng sản phẩm chế biến sẽ tạo đà cất cánh cho ngành chế biến tôm hơn nữa.
Cụ thể, trên thế giới, công nghệ 4.0 đã và đang được thúc đẩy áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản tại các nước và vùng lãnh thổ như: Isarel, châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan... và tạo ra những giá trị vượt trội trong sản xuất như giải phóng sức lao động, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cảm biến nhanh để thích ứng với những thay đổi của thời tiết, môi trường..., ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho biết.
Dù con đường tiếp cận thị trường đã khá thuận lợi, nhưng để ngành tôm bền vững thì một trrong những mắt xích của ngành cũng cần phải bền vững, là chú trọng vào chất lượng vùng nuôi. Vấn đề này vẫn còn nhiều điều chờ tháo gỡ hiện nay./.
>> Đọc tiếp Bài 2: Chú trọng chất lượng vùng nuôi

>> Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp giúp chống sạt lở đê biển

>> Xây dựng liên kết chuỗi trong nuôi tôm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục