Một năm chưa nhiều dấu ấn của Cộng đồng kinh tế ASEAN

12:01' - 28/12/2016
BNEWS Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đi qua một năm với không nhiều dấu ấn đậm nét. Điều quan trọng là tuy bình lặng nhưng AEC vẫn là động lực để Việt Nam tiếp tục đổi mới, thích ứng và đi lên.
Các đại biểu dự hội thảo “Việt Nam và Cộng đồng Kinh tế ASEAN – Nhìn lại một năm thực hiện AEC và ra mắt Cổng thông tin AEC cho doanh nghiệp". Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Ngày 28/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ai Len phối hợp tổ chức hội thảo “Việt Nam và Cộng đồng Kinh tế ASEAN – Nhìn lại một năm thực hiện AEC và ra mắt Cổng thông tin AEC cho doanh nghiệp. Sự kiện thu hút sự tham gia của đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, chuyên gia nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng và đông đảo doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, năm 2016 đang kết thúc với không ít quan ngại cho tiến trình hội nhập.

Những lo lắng về một tương lai không rõ ràng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) đã không thể được ký kết trong năm 2016 như dự kiến.

Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng đã đi qua một năm với không nhiều dấu ấn đậm nét. Điều quan trọng là tuy bình lặng nhưng AEC vẫn là động lực để Việt Nam tiếp tục đổi mới, thích ứng và đi lên.

Theo đại diện VCCI, trong năm 2016, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm hội nhập với những cải cách toàn diện để trở thành một Chính phủ kiến tạo, chuẩn bị sẵn sàng cho các cam kết hội nhập mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã chú trọng tới việc tìm hiểu thông tin về cam kết, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tận dụng các cơ hội hội nhập trong tương lai.

Đại diện Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ai Len tại Việt Nam, ông Andrew Holt, Bí thư thứ nhất về kinh tế và chính trị cho rằng, sau một năm thành lập lĩnh vực thương mại có nhiều thay đổi do các dòng thuế đã giảm xuống 0%.

Tuy nhiên, các yếu tố khác như lao động, dịch vụ và đầu tư thì không thay đổi nhiều.

Để thực hiện được 4 trụ cột trong AEC, Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới các chính sách để thực hiện những cam kết theo từng lĩnh vực, ngành cụ thể.

Điển hình là dịch vụ phân phối, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và viễn thông.

Năm 2016, cũng là năm đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi chính thức có hiệu lực.

Ngoài ra, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến sớm được thông qua sẽ hỗ trợ khung pháp lý với các giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ông Andrew Holt cũng khẳng định, AEC là cơ hội quý báu để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và bắt kịp với xu thế phát triển kinh tế của khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, ngoài những cơ hội lớn, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư của các nước ASEAN.

Bằng cách mở cửa thị trường cho hàng hóa cạnh tranh, những doanh nghiệp có lợi thế về xuất khẩu sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, trong khi những doanh nghiệp yếu có thể sẽ gặp phải những thách thức nghiêm trọng khi cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Ông Hoàng Văn Phương, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, đà xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN đang có xu hướng giảm dần, nhất là trong giai đoạn từ 2014-2016.

Trong đó các mặt hàng như xuất khẩu dầu thô, sắt thép… giảm mạnh nhất. Kéo theo đó là kim ngạch xuất khẩu cũng giảm theo.

Đó là điều rất đáng suy nghĩ và cần những giải pháp hiệu quả và kịp thời để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và các nước ASEAN đã mở cửa thị trường để hàng hóa, dịch vụ giữa các nước cạnh tranh chung trên cùng thị trường.

Đánh giá về thực trạng hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về AEC, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho biết, đã có 46,79% doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin về AEC.

Trong gần 94% doanh nghiệp biết về AEC thì chỉ có 16,4% doanh nghiệp thực sự hiểu rõ về hiệp định thương mại này.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp quá thiếu những thông tin bổ ích, những kênh tiếp cận hữu hiệu và thuận lợi để nắm bắt thông tin thị trường, thông tin đối tác, thông tin hàng hóa theo các cam kết hoặc về những đối tác cạnh tranh trong khu vực.

Nhân sự kiện này, VCCI cũng giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp Cổng thông tin AEC như một công cụ thiết yếu nhất để giúp các doanh nghiệp nâng cao kiến thức, sự hiểu biết tường tận để vận dụng và tận dụng tốt cơ hội từ Cộng đồng kinh tế AEC./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục