Một thẩm phán tại San Francisco đã phong tỏa sắc lệnh của Tổng thống Mỹ

10:00' - 26/04/2017
BNEWS Một thẩm phán tại San Francisco đã phong tỏa sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt ngân sách liên bang dành cho các bang và thành phố không bắt hoặc bỏ tù người nhập cư cư trú trái phép.
Thẩm phán William Orrick. Ảnh: The Recorder

Phán quyết dày 49 trang của Thẩm phán William Orrick ngăn chặn mọi nỗ lực thi hành sắc lệnh hành chính mà Tổng thống Trump ban hành ngày 25/1 vừa qua.

Thẩm phán Orrick nêu rõ sắc lệnh của Tổng thống Trump là "vi hiến" và đi ngược lại lợi ích của cộng đồng.

Tuy nhiên, phán quyết cho phép Bộ Tư pháp Mỹ cắt các khoản ngân sách hỗ trợ 9 thành phố, trong đó có Chicago, New Orleans, Philadelphia..., nếu các thành phố này không hợp tác với giới chức nhập cư liên bang.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cho rằng 9 thành phố nói trên đã "dung túng" cho nhiều người nhập cư trái phép, trong đó có nhiều đối tượng là tội phạm.

Phán quyết của Thẩm phán tòa án liên bang San Francisco được đưa ra sau phiên tòa kéo dài 70 phút, diễn ra ngày 14/4 vừa qua, liên quan tới vụ kiện của các hạt Santa Clara và San Francisco về sắc lệnh của ông Trump. Sau khi phán quyết trên được công bố, các thị trưởng các thành phố Seattle, New York và Chicago đã lên tiếng hoan nghênh.

Theo giới phân tích, quyết định của Tòa án liên bang San Francisco được cho là đòn tiếp theo giáng vào nỗ lực kiểm soát người nhập cư của Nhà Trắng.

Hai sắc lệnh hành chính trước đó của Tổng thống Trump, theo đó cấm nhập cảnh đối với công dân các quốc gia có số đông người Hồi giáo sinh sống, cũng đã bị phong tỏa tại tòa án liên bang Hawaii và Seattle.

Trước đó, ngày 25/1 vừa qua, chỉ 5 ngày sau khi lên nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành chính yêu cầu cắt ngân sách dành cho các thành phố "dung túng" người nhập cư sinh sống trái phép, thường do chính khách đảng Dân chủ điều hành.

Sắc lệnh này ảnh hưởng trực tiếp tới khoản ngân sách 1,7 tỷ USD dành cho hạt Santa Clara và 1,2 tỷ USD cho San Francisco, cũng như hơn 300 thành phố và hạt khác trên toàn nước Mỹ.

>>>Mỹ sắp hạn chế cấp thị thực cho người lao động có tay nghề

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục