Mỹ đưa Indonesia vào danh sách các nước làm mất cân bằng thương mại

06:30' - 22/04/2017
BNEWS Indonesia đã chịu cú sốc lớn trong hợp tác thương mại với Mỹ, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kết quả điều tra về "sự mất cân bằng thương mại" giữa Mỹ và 16 quốc gia, trong đó có Indonesia.
Ông Donald Trump tại một sự kiện ở Hershey (Mỹ) ngày 15/12. Ảnh: AP/TTXVN

Báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài phân tích của các tác giả Anton Hermansyah, Stefani Ribka và Tama Salim với tựa đề: “Mỹ đưa Indonesia vào các nước làm mất cân bằng thương mại”.

Đúng như cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ra tích cực trong việc tìm ra các nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ suy giảm, người dân bị mất việc làm, trong đó có việc liệt kê các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ để tìm cách áp đặt nhiều biện pháp bảo hộ theo hướng có lợi cho nước này, và Indonesia nằm trong số đó.

Một tuần sau khi có bản kiến nghị chống lại dầu diesel sinh học, Indonesia đã chịu cú sốc lớn thứ hai trong hợp tác thương mại với Mỹ, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kết quả điều tra về "sự mất cân bằng thương mại" giữa Mỹ và 16 quốc gia, trong đó có Indonesia.

Tổng thống Trump hứa hẹn sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay đối với các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ, khiến nước này bị thâm hụt thương mại bằng cách ký hai sắc lệnh hành pháp hôm 31/3. Washington có 90 ngày để áp dụng các biện pháp pháp lý cần thiết chống lại các hành vi "vi phạm luật thương mại và hải quan của Mỹ".

Tổng thống Trump chỉ đạo Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ sẽ cùng với Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ xây dựng một kế hoạch yêu cầu các nhà nhập khẩu Mỹ đánh giá việc nhập khẩu các loại hàng hóa gây rủi ro cho doanh thu của Mỹ, từ đó cung cấp các thông tin, dữ liệu để Mỹ tiến hành các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Indonesia đứng ở vị trí thứ 15 trong danh sách các quốc gia bị Mỹ coi là có thặng dư thương mại cao với con số là 13 tỷ USD thặng dư thương mại, tiếp theo là Canada với 11 tỷ USD thặng dư. Trung Quốc đứng đầu với thặng dư là 347 tỷ USD, sau đó là Nhật Bản, Đức, Mexico, Ireland, Việt Nam, Italy, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Thụy Sĩ và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Phản ứng với hành động trên của chính quyền của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita cho biết Chính phủ Indonesia sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu về các sản phẩm của Indonesia có khả năng bị Mỹ điều tra.

"Bây giờ, chúng ta sẽ đánh giá các mặt hàng xuất khẩu có khả năng bị Mỹ điều tra. Chúng tôi cũng sẽ yêu cầu đại diện của chúng tôi ở Washington, DC theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình ", ông nói với tờ The Jakarta Post vào hôm 2/4.

Thị trường Mỹ đã mang lại 15,68 tỷ USD cho Indonesia trong việc xuất khẩu các hàng hóa phi dầu mỏ và khí đốt vào năm 2016.

Các mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ là giày dép, hàng dệt may, thủy sản và tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, Indonesia nhập khẩu từ Mỹ các loại hàng hóa là máy bay, đậu nành và máy móc.

Kể từ khi lên nắm quyền từ ngày 20/1, Tổng thống Trump kêu gọi thu thập các dữ liệu đối với các quốc gia bị Mỹ cho là đã tiến hành bán phá giá vào thị trường Mỹ gây ra tình trạng thâm hụt thương mại đối với Mỹ.

Theo văn phòng Trách nhiệm giải trình của Mỹ, kể từ năm 2001 Mỹ đã thu được số tiền hơn 2,3 tỷ USD áp dụng đối với các quốc gia có hành vi bán phá giá vào thị trường nước này.

Mỹ có thể áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với dầu diesel sinh học từ Indonesia. Ảnh minh họa: Reuters

Trước đó, vào ngày 23/3, Hiệp hội Các nhà sản xuất dầu diesel sinh học quốc gia của Mỹ (NBB) đã đệ đơn kiện Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã áp thuế chống phá giá đối với nhập khẩu dầu diesel sinh học từ Indonesia.

Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính Indonesia (INDEF) Bhima Yudhistira Adhinegara cho biết việc Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu loại mặt hàng này của Indonesia ra thế giới.

"Giống như hàng dệt may và giày dép, chúng tôi ghi nhận mức thặng dư không phải do bán phá giá mà bởi vì người Mỹ không muốn làm những hàng hóa này vì chi phí nhân công cao. Đó là lý do tại sao các thương hiệu của Mỹ như Nike đã chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ sang Indonesia", ông Adhinegaranói với tờ Post.

Ông Adhinegara tin rằng mục tiêu chính của biện pháp này là nhằm vào Trung Quốc – quốc gia gây ra tình trạng thâm hụt thương mại lớn nhất đối với Mỹ. Chủ tịch Hiệp hội Ngư nghiệp Indonesia Thomas Darmawan cho biết, hàng xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ hoàn toàn khác với Trung Quốc.

Indonesia chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm tài nguyên thiên nhiên dạng thô như cao su, cà phê và thủy sản, trong khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc là sản phẩm cuối cùng.

Ông Adhinegara nói: "Nếu họ thiết lập hàng rào vào hàng hóa của Indonesia, họ sẽ đặt mình vào tình thế khó khăn”.

Trung tâm Cải cách Kinh tế Indonesia (CORE), Giám đốc điều hành Mohammad Faisal nói rằng Indonesia nên cùng với các quốc khác bị Mỹ liệt vào danh sách bán phá giá kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chống lại cáo buộc của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, Tổng vụ đặc trách châu Mỹ và châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông vẫn hy vọng rằng vấn đề sẽ không được nêu ra trong chuyến thăm Indonesia sắp tới của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Phó Tổng thống Mike Pence dự kiến sẽ thăm Indonesia vào cuối tháng này trong chuyến đi vòng quanh khu vực, bao gồm các điểm dừng chân tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

>>> Mỹ liệu có thực hiện chính sách thương mại hà khắc với Trung Quốc?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục