Mỹ sẽ gây áp lực với Nga vì không ngăn chặn quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học

11:08' - 10/04/2017
BNEWS Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, trong các cuộc gặp giới chức Nga tại Moskva ngày 11/4, ông sẽ gây áp lực với Nga về việc Moskva đã không thể ngăn chặn quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: PC Jewish Pulse

Trả lời phỏng vấn chương trình "Tuần này" (This Week) của kênh truyền hình ABC ngày 9/4, ông Tillerson nêu rõ: "Một phần trong các cuộc thảo luận khi tôi tới Moskva là kêu gọi Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Chính Phủ Nga thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với cộng đồng quốc tế khi Moskva nhất trí là nhà bảo lãnh cho việc tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria".

Ông cho biết sẽ đề nghị người đồng cấp Nga giải thích tại sao Nga không thể hoàn thành nghĩa vụ này. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoài giao Mỹ đã không nhắc đến cáo buộc Nga đồng lõa trong vụ tấn công hóa học hôm 4/4 vừa qua tại thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib (Ít-líp), miền Nam Syria, khiến 87 dân thường thiệt mạng.

Nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng hóa học tại Idlib, Mỹ đã bắn gần 60 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria tại tỉnh Homs, miền Trung nước này. Đây là vụ tấn công trực tiếp của Mỹ nhằm vào các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al- Assad kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát 6 năm trước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đây là một hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế với một cái cớ bịa đặt. Chính quyền Syria cũng kiên quyết phủ nhận việc can dự vào cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học, khẳng định các lực lượng vũ trang Syria chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công.

Trong một diễn biến liên quan, các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Wasington sẽ gia tăng sức ép, buộc Nga kiềm chế chính quyền Tổng thống Assad. Xuất hiện trong một chương trình truyền hình ngày 9/4, trước thềm chuyến thăm của ông Tillerson, các cố vấn trên cảnh báo mọi cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trong tương lai đều sẽ "gây nguy hại nghiêm trọng" đến quan hệ Nga - Mỹ, đồng thời nhận định khả năng sẽ không có hòa bình nếu Tổng tống Assad tiếp tục tại vị.

Dự kiến, vấn đề Syria sẽ bao trùm các cuộc thảo luận tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), theo kế hoạch diễn ra ngày 10/4 tại Tuscany, Italy. Hội nghị này sẽ là cơ hội đầu tiên để Italy, Đức, Pháp, Anh, Canada và Nhật Bản tìm kiếm câu trả lời của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson về kế hoạch của Mỹ tại Syria cũng như số phận của Tổng thống Assad.

Nước chủ nhà Italy hy vọng thông cáo cuối cùng của hội nghị sẽ củng cố các nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 6 năm nay.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop lên tiếng kêu gọi Nga ngừng ủng hộ Tổng thống Assad. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ Sky News, Ngoại trưởng Bishop thừa nhận Nga có lợi ích chiến lược tại Syria, song bà cho rằng Moskva cần đặt tính hiệu quả của các nỗ lực quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố lên trên hết, trước tiên là để chấm dứt tình cảnh "nồi da nấu thịt" trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hơn 6 năm qua ở Syria.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei nhận định Mỹ đã phạm "sai lầm chiến lược" khi tấn công Syria.

Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA ngày 9/4 dẫn lời ông Khamenei nhấn mạnh, "Iran sẽ không từ bỏ Syria dù phải đối mặt với đe dọa", ám chỉ những đồn đoán về việc Mỹ xem vụ tấn công vừa qua là dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng tấn công các quốc gia khác, bao gồm cả Iran.

Trong khi đó, một số nhà phân tích nhận định vụ tấn công tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân Syria đã khiến cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này thêm phức tạp, đồng thời làm tăng nguy cơ quân sự hóa khu vực.

Một nhân vật thuộc phe đối lập Syria, ông Munther Khaddam cho rằng vụ tấn công sẽ tác động tiêu cực tới cuộc khủng hoảng Syria, đặc biệt là sau khi một giải pháp chính trị đã trở nên rõ ràng hơn trong những tháng gần đây, với những bước đi nghiêm túc được thực hiện.

Trong khi đó, một nhà báo người Palestine tại London, ông Abdul-Bari Atwan cũng mô tả vụ tấn công của Mỹ là "thảm kịch mới đe dọa sự ổn định của khu vực", tạo nên một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Syria, có thể khiến tình hình quân sự leo thang thành một cuộc chiến lớn giữa Mỹ và Nga, hoặc là một thỏa thuận chính trị dựa trên sự đồng thuận giữa hai cường quốc này.

Ông nhấn mạnh rằng vụ tấn công này như một lời nhắc nhở Mỹ về những cáo buộc và sự dối trá liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq, vốn chưa bao giờ được tìm thấy và đã được chứng minh là không hề tồn tại. Nhiều chuyên gia phân tích khác cho rằng ở thời điểm hiện tại, các dấu hiệu ban đầu đều cho thấy một sự căng thẳng đe dọa đến tiến trình chính trị trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục