Nắm bắt tốt cơ hội từ VJEPA

20:49' - 23/10/2015
BNEWS Theo Hiệp định VJEPA, Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế bình quân cho các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam từ 6,51% năm 2008 xuống mức 0,4% vào năm 2019.

Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực từ 1/10/2009 với nhiều cam kết và kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Theo đó, trong vòng 10 năm, khoảng 92% hàng hóa sẽ được miễn thuế khi vào thị trường của mỗi bên.

Cụ thể, Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế bình quân cho các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam từ 6,51% năm 2008 xuống mức 0,4% vào năm 2019. Sản phẩm dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản được hưởng mức thuế 0% ngay từ khi hiệp định có hiệu lực.

VJEPA tạo cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc thực thi các cam kết về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dành cho Việt Nam theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản

 Mối quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản

Gợi ý cho các doanh nghiệp Việt Nam về triển vọng của thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, đại diện Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản hiện rất quan tâm nhập khẩu hoa quả, rau tươi, rau đông lạnh hay sấy khô, các loại gia vị, thủy sản và đồ trang trí, nội thất…

Ông Minh cho biết thêm, từ đầu năm 2015 đến nay, kinh tế Nhật Bản tiếp tục có dấu hiệu phục hồi rõ nét hơn, sau khi rơi vào suy thoái kỹ thuật do ảnh hưởng của đợt tăng thuế bán hàng từ 5% đến 8% vào tháng 4/2014.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng 2,4% và nhập khẩu tăng 2,9%. Do nhu cầu nhập khẩu tăng, những mặt hàng vốn được bảo hộ theo cách truyền thống có thể sẽ phải nới lỏng bảo hộ.

Quan trọng nhất, Nhật Bản đang có xu hướng chuyển nhập khẩu nhiều loại mặt hàng từ Trung Quốc sang nhập khẩu từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong số 1.500 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam có gần 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo như ô tô, linh kiện, điện tử.

Hai nước cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN.

Bên cạnh đó, không thể thiếu việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, trao đổi và giao thương.

Thay đổi và mở rộng cơ cấu hàng xuất khẩu để gia tăng số lượng, tỷ lệ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành may mặc cũng cần được chú trọng đầu tư nhiều hơn để nâng cao hàm lượng xuất xứ cho hàng hóa Việt Nam, từ đó mới đạt yêu cầu để được hưởng ưu đãi thuế suất nhập khẩu hàng hóa may mặc.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khuyến nghị, các doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận thị trường lâu dài, đặt mối quan hệ làm ăn lâu dài với các khách hàng Nhật Bản.

Thậm chí cần chủ động thu thập thông tin về các doanh nghiệp Nhật để có cách làm phù hợp với những đối tác là các doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các doanh nghiệp Việt cũng cần tích cực khai thác sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Cơ quan đại diện ngoại giao tại Nhật Bản (Thương vụ tại Tokyo và Chi nhánh Thương vụ tại Osaka) để tiếp cận và tìm hiểu về thị trường, về nhu cầu, thị hiếu, tập quán và văn hóa kinh doanh của người Nhật, ông Lộc gợi ý.

Nắm bắt và tận dụng mọi cơ hội để khai thác hiệu quả những lợi ích từ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản hẳn nhiên không dễ dàng.

Do đó, các doanh nghiệp cũng cần có ý thức phòng vệ để đối mặt với thách thức cạnh tranh từ các dòng sản phẩm của Nhật Bản, vốn nổi tiếng về chất lượng cao, nhưng mức giá sẽ thấp hơn vì được giảm thuế nhập khẩu sẽ ồ ạt vào Việt Nam trong thời gian tới. Đó sẽ là rào cản thử sức các doanh nghiệp trong hội nhập./.

Thạch Huê

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục