Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng

12:58' - 30/03/2018
BNEWS Hiện chỉ có khoảng hơn 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, còn lại các DNNVV phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn vay khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro.
Nâng cao năng lực toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Nhằm triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, sáng 30/3, tại Hà Nội, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng KasikornBank (Thái Lan) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng. Điều này nhằm tăng cường chia sẻ thông tin của các cơ quan liên quan như: ngân hàng, thuế, đăng ký kinh doanh và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước, đặc biệt là nơi diễn ra các hoạt động cải tiến, đổi mới sáng tạo và ứng dụng trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn để có thể cạnh tranh phát triển; trong đó, tiếp cận tín dụng được xác định là một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp tích cực, từng bước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát hoạt động tín dụng của các ngân hàng theo hướng tập trung phục vụ nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa qua hệ thống các ngân hàng thương mại còn hạn chế, tỷ lệ dư nợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản….

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện chỉ có khoảng hơn 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, gần 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao, nhiều rủi ro.

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguyên nhân chính là do hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản đảm bảo, thời gian thành lập ngắn, rất sợ sự phức tạp của thủ tục ngân hàng. Cuối cùng là không có báo cáo tài chính chuẩn để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thời gian thành lập ngắn, trong khi đó tiêu chí truyền thống của ngân hàng là phải thành lập từ 2 – 3 năm trở lên và phải đạt lợi nhuận vài năm liên tiếp…

Để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đối với cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước hết, có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan thuế, đăng ký doanh nghiệp, thông tin tín dụng ngân hàng... Qua đó, giúp các ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ, minh bạch thông tin; phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa tốt hơn.

Thứ trưởng Hiếu cũng nhấn mạnh, Thái Lan là quốc gia trong khu vực ASEAN, nền kinh tế phát triển có nhiều nét tương đồng với điều kiện của Việt Nam. Cơ quan xúc tiến doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái Lan (OSMEP), hệ thống bảo lãnh tín dụng, ngân hàng Thái Lan có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng. Thứ trưởng hy vọng, hội thảo là cơ hội để các cơ quan, chuyên gia Thái Lan chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam kinh nghiệm tốt của các bạn.

Để nâng cao cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để tiết giảm các thủ tục về giao dịch đảm bảo. Không bắt buộc phải làm nhiều thủ tục và công chứng nhiều tài liệu như hiện nay. Ngoài ra,, tập trung phân cấp giao quyền cho chính quyền cơ sở xác nhận tình trạng tài sản, đất đai của người dân và doanh nghiệp làm cơ sở để làm tài sản đảm bảo vay vốn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giao quyền chủ động và phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, xác định được đối tượng chịu trách nhiệm đến cùng cho các ngân hàng thương mại. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực của cán bộ tín dụng, tập trung cho việc đánh giá được các dự án có tính khả thi cao làm cơ sở cho vay, tài sản đảm bảo không phải là điều kiện cao nhất. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ tín dụng cần phải có các tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu, dễ đi vào đời sống xã hội, đời sống của doanh nghiệp.

Đại diện Quỹ Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, để thúc đẩy minh bạch trong hoạt động giúp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ đang phối hợp với ngân hàng nhận ủy thác ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai chương trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tuyến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục