Cuba - Thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển

19:01' - 27/03/2018
BNEWS Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/12/1960, hơn 67 năm qua mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Cuba ngày càng chặt chẽ với những kết quả đáng ghi nhận.

Đặc biệt, trong những năm qua quan hệ về kinh tế, thương mại giữa hai nước có bước phát triển toàn diện.

Nhiều dư địa cho các doanh nghiệp Việt Nam

Năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 220 triệu USD và đến năm 2016 đã đạt xấp xỉ 250 triệu USD (tăng gần 13,7% so với năm 2015). Mặc dù kim ngạch hai chiều chưa cao về con số, nhưng so với kim ngạch trao đổi giữa Cuba với các nước thì Việt Nam vẫn trong nhóm 10 nước đứng đầu, trước cả Nga (200 triệu USD) và Nhật Bản (160 triệu USD) và là đối tác thương mại quan trọng thứ hai tại châu Á của Cuba.

Kim ngạch trao đổi giữa Cuba với các nước thì Việt Nam vẫn trong nhóm 10 nước đứng đầu. Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, mặc dù là một trong 10 quốc gia có kim ngạch trao đổi thương mại với Cuba cao, nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Cuba năm 2016 chỉ đạt khoảng 240 triệu USD. Trong khi đó tổng giá trị nhập khẩu của Cuba năm 2016 là 6,83 tỷ USD và Cuba nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam chỉ chiếm 3,5% trên tổng giá trị nhập khẩu. Như vậy có thể thấy thị trường Cuba còn rất nhiều dư địa cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như: du lịch, nông nghiệp, viễn thông, hàng tiêu dùng, giày dép, dệt may...

Ngược lại, Cuba có nhiều thế mạnh về dược phẩm, đào tạo, y tế, xây dựng và có khả năng hợp tác tốt với Việt Nam. Cuba được coi là thị trường rất tiềm năng giúp mở ra cơ hội hợp tác, giao lưu giữa Việt Nam với khu vực Mỹ Latinh và Caribê.

Nhận thấy tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia Việt Nam và Cuba là rất lớn, mới đây ITPC phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Cuba tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Cộng hòa Cuba – Thị trường tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam” với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những thông tin tổng quan về thị trường cũng như những chính sách ưu đãi về thương mại, đầu tư của Cuba. Qua đó, các doanh nghiệp có thêm những thông tin hữu ích trong việc định hướng các chiến lược tiếp cận thị trường Cuba đầy tiềm năng.

Bên cạnh đó, ITPC còn tổ chức “Đoàn khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư vào thị trường Cuba” từ ngày 8 - 17/3/2018 tại các thành phố La Habana và Vinales. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ văn hóa tiêu dùng, phương thức mua sắm của người dân Cuba và là dịp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, khách hàng...

Gần đây, Chính phủ Cuba đã nêu rõ chủ chương thu hút đầu tư nước ngoài nhằm đẩy mạnh sản xuất trong nước thông qua việc ban hành khung pháp lý mới quản lý và khuyến khích đầu tư nước ngoài, thành lập Đặc khu phát triển Mariel với nhiều ưu đãi. Cuba tích cực triển khai chính sách đối ngoại năng động, đặc biệt với Mỹ, Liên minh châu Âu và một số nước lớn trên thế giới. Điều đó cho thấy Cuba đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Ông Đỗ Việt Phương, Trưởng Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba cho biết, những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam sang Cuba khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư tăng mạnh. Các lĩnh vực du lịch, y tế, xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử, thủy sản, bất động sản... là những lĩnh vực được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.

Với sự hỗ trợ của Việt Nam, Dự án sản xuất lúa gạo đã giúp Cuba nâng cao năng suất lúa từ 2,5 tấn/ha trước đây lên 4,2 tấn/ha hiện nay, cá biệt có những hộ nông dân đạt năng suất từ 9 - 10 tấn/ha. Nhờ vậy, sản lượng gạo từ 80.000 tấn trước khi triển khai dự án và đến năm 2015 tăng lên khoảng 300.000 tấn, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu trong nước; đồng thời diện tích canh tác được mở rộng từ 137.000 ha lên 200.000 ha hiện nay. Quan trọng hơn là Dự án đã giúp nông dân Cuba tiếp thu và làm chủ được kỹ thuật canh tác lúa nước. Dự án đã kết thúc giai đoạn IV vào cuối năm 2015 và giai đoạn V đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt.

Một số Dự án hợp tác khác cũng đang trong quá trình triển khai như: Dự án xây dựng khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê giữa Tổng công ty Hanel và đối tác Cuba; Dự án sản xuất tã lót tại đặc khu Mariel của Công ty Thái Bình; Dự án sản xuất bột giặt của Công ty Vico; Dự án nước đóng chai của Công ty Hưng Thắng; Dự án hợp tác sản xuất gốm sứ của Công ty Viglacera với đối tác Cuba…

Giải pháp tăng trưởng thương mại

Quang cảnh đặc khu kinh tế Mariel, Cuba ngày 31/10. AFP/TTXVN

Cũng theo ông Đỗ Việt Phương, đầu tư của Việt Nam vào Cuba còn gặp những khó khăn như: thanh khoản ngoại tệ của ngân hàng Cuba còn chậm, các thủ tục pháp lý liên quan đến đăng ký kinh doanh, cấp phép đất đai còn nhiều vướng mắc… Chính phủ cần hỗ trợ và tạo cơ chế thuận lợi hơn về vốn nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường Cuba.

Cùng với đó, nâng cao công tác nghiên cứu và cung cấp thông tin về thị trường; phối hợp với các đơn vị trong nước tổ chức các hội thảo về khu vực, hội thảo chuyên đề nhằm cập nhật thông tin về thị trường Cuba với nhiều tiềm năng và cơ hội đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng cần tiếp cận đối tác một cách tổng thể, đề ra chiến lược kinh doanh rõ ràng trong hợp tác làm ăn với Cuba, vận dụng tối đa các "kênh" để xử lý các vấn đề hợp tác. Bên cạnh đó, cân đối tốt để giảm tối đa các chi phí, nhất là chi phí vận tải để tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực và hàng hóa của Trung Quốc.

Năm 2017, tổng kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt 224,3 triệu USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu 217 triệu USD, nhập khẩu 7,3 triệu USD và hai nước đặt mục tiêu kim ngạch đạt 500 triệu USD vào năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục