Ngã rẽ nào cho lúa gạo Việt Nam?

09:30' - 05/03/2017
BNEWS Chọn ngã rẽ nào cho lúa gạo Việt Nam đang là câu hỏi và cũng là mục tiêu tìm kiếm của ngành lúa gạo hiện nay.
Nông dân thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2017. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Là quốc gia xuất khẩu gạo thuộc Top đầu thế giới nhưng sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn.

Chọn ngã rẽ nào cho lúa gạo Việt Nam đang là câu hỏi và cũng là mục tiêu tìm kiếm của ngành lúa gạo hiện nay.

Lý giải tại sao Việt Nam xuất khẩu gạo phần lớn vẫn là phân khúc thị trường gạo cấp thấp, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Thái Lan có cả phân khúc thị trường gạo cao cấp và phân khúc cấp thấp.

Nhưng ở Thái Lan hay Campuchia, gạo cao cấp là từ loại lúa một vụ/năm, trong khi đó Việt Nam sản xuất các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao. Nếu tính thu nhập trên 1 đơn vị diện tích Việt Nam chưa chắc kém Thái Lan và Campuchia.

Cùng chung quan điểm với ông Cường, ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam chỉ ra năng suất lúa của Thái Lan trung bình chỉ 3,5 tấn/ha và trồng 1 vụ/năm, còn Việt Nam năng suất lúa 5,6-5,7 tấn/ha và trồng 2 vụ/năm.

Như vậy, với giá gạo Việt Nam bán được bằng một nửa so với Thái Lan thì về thu nhập không thấp hơn. Bên cạnh đó, Thái Lan có 11 triệu ha đất lúa, cung cấp cho 60 triệu dân; Việt Nam có khoảng 4 triệu ha đất lúa cung cấp lương thực cho 90 triệu dân.

“Thời gian vừa qua chúng ta chọn tạo giống lúa theo hướng là tăng năng suất, ít chú ý, thậm chí là không cho phép chú ý đến chất lượng bởi vì phải đảm bảo an ninh lương thực là yếu tố đầu tiên. Lúa gạo Việt Nam được chú ý về chất lượng chỉ từ sau những năm 2000”, ông Hàm so sánh.

Nhìn thẳng vào thực tại khi ngay cả những vùng sản xuất lúa gạo cho xuất khẩu nhưng nông dân vẫn nghèo, ông Trịnh Khắc Quang, Quyền Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, sản xuất lúa gạo Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn ngoài hiệu quả sản xuất còn thấp, còn do biến đổi khí hậu.

Hiện cơ cấu giống lúa ở một số vùng không còn thích hợp để tiếp tục duy trì phát triển. Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng thị trường xuất khẩu chưa ổn định, các thị trường khó tính chưa vào được nhiều, chủ yếu vẫn là thị trường châu Á, châu Phi.

Từ cách xây dựng chất lượng, thương hiệu hạt gạo của Thái Lan, ông Lê Huy Hàm cho hay, Thái Lan không tạo ra giống mới mà họ trồng những giống lúa được trồng từ cách đây hàng trăm năm đã trồng. Thái Lan đi theo hướng, giống yếu mặt nào thì cải tiến mặt đó.

Trong khi đó, Việt Nam ngày càng tạo ra nhiều giống mới. Nhiều doanh nghiệp ngày càng quan tâm đầu tư nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới.

Tuy nhiên, khi đưa giống mới vào sản xuất, đương nhiên sẽ phủ nhận giống cũ. Điều này dẫn đến việc khó xây dựng thương hiệu nếu liên tục đưa ra giống mới.

Nhận thấy điều đó, Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đang hình thành chiến lược mới.

Đó là không tạo ra các giống chịu mặn, chịu ngập… mới mà tận dụng những giống lúa đã có thương hiệu, những giống lúa được người dân chấp nhận và được trồng phổ biến.

Nhưng các giống đó có nhược điểm như không kháng mặn, không chịu ngập, dễ nhiễm bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá…

Trên cơ sở những giống này sẽ cải tiến những đặc tính đó nhưng giữ nguyên những đặc tính nông sinh học của hạt lúa để giữ chất lượng gạo. Như vậy, thương hiệu gạo, thương hiệu giống trên thị trường không thay đổi.

“Đây là chiến lược tạo giống mới, là yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu. Các giống mới được gọi là giống kháng đa yếu tố cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Lê Huy Hàm nói.

Cũng theo ông Hàm, từ trên đặc điểm về địa lý tự nhiên, xã hội, các nhà kinh tế, hoạch định chính sách cần chỉ ra được lợi thể để Việt Nam phát huy, không dứt khoát phải có nhiều gạo trên thị trường như Mỹ, châu Âu…

Thái Lan và Việt Nam là hai nền sản xuất rất khác nhau từ điều kiện tự nhiên, xã hội. Do đó, chúng ta phải chọn ngã rẽ cho lúa gạo Việt Nam sẽ là hợp lý hơn so với việc cứ xông vào cạnh tranh ở bất kỳ thị trường nào.

Xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Sau gần 2 năm xây dựng, Đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mới đây đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Đề án xác định không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo mà còn bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của Đề án là tổ chức sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và đặc sản; phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu "Gạo Việt Nam".

Đồng thời, quảng bá, giới thiệu thương hiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu.

Ông Trịnh Khắc Quang đánh giá, thương hiệu là một vấn đề quan trọng phải làm. Nhưng thương hiệu đó cần gắn liền vùng trồng, gắn liền với giống, với doanh nghiệp để sản xuất ra gạo được gắn với thương hiệu đó.

Bên cạnh đó, cần duy trì chất lượng, giảm giá thành sản xuất, tạo được sự tín nhiệm của gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đó là mấu chốt quan trọng nhất song song với thương hiệu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, thực hiện Đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ngành nông nghiệp đã đưa ra hệ thống các gói giải pháp từ khâu cải tiến bộ giống đến hình thành gói kỹ thuật và các điều kiện hạ tầng, đặc biệt là cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản, chế biến và sản xuất theo chuỗi.

Đồng thời, định dạng các thị trường xuất khẩu lúa gạo Việt Nam, từ đó xác định các giống phù hợp cho từng thị trường, phân khúc từng thị trường lúa gạo.

“Trước mắt phải tập trung đẩy mạnh nghiên cứu bộ giống có chất lượng và nghiên cứu gói kỹ thuật sản xuất lúa cho từng vùng cụ thể theo hướng giảm chi phí như: không lãng phí phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả; giảm lượng giống sử dụng. Điều này vừa giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng gạo vừa giúp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói./.

>> Thương hiệu nông sản khẳng định từ chất lượng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục