Tìm hướng đi mới để nâng giá trị hạt gạo Việt Nam

09:51' - 02/02/2017
BNEWS Trước biến động giảm của ngành xuất khẩu gạo năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng cao giá trị hạt gạo và kết hợp liên hoàn nhiều giải pháp cùng lúc mới đủ sức vực dậy ngành gạo Việt Nam.
Hạt gạo Việt Nam tìm giải pháp nâng cao giá trị để thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,1 tỷ USD, giảm 25% về số lượng và 20% về giá trị so với năm 2015. Đây là con số báo động cho ngành gạo Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, cả doanh nghiệp lẫn nhà chức năng đều tìm hướng đi mới để nâng giá trị hạt gạo của Việt Nam trong năm 2017, cũng chính là nâng cao thu nhập cho những người trồng lúa hiện nay.

Nhu cầu thế giới giảm

Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng lúa cả nước trong năm 2016 đạt 7,7 triệu ha, cho sản lượng hơn 43 triệu tấn lúa, tương đương với 21,5 triệu tấn quy gạo. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 4,2 triệu ha, cho sản lượng 24,7 triệu tấn gạo. Nguồn gạo được cân đối cho xuất khẩu đạt 7,4 triệu tấn. Điều này cho thấy, nguồn gạo dành cho xuất khẩu vẫn còn thừa.

Trong khi sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh, thì với 4 nước xuất khẩu gạo khác trên thế giới, chỉ có Ấn Độ giảm 500.000 tấn, còn lại 3 nước Thái Lan, Pakistan và Mỹ đều có chỉ số gạo xuất khẩu của năm 2016 tăng so với năm 2015.

Giải thích lý do giảm lượng gạo xuất khẩu trong năm 2016, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần XNK Intimex chia sẻ, năm 2016 là năm khó khăn cho doanh nghiệp lương thực Việt Nam và thị trường hàng hóa.

Những năm trước thị trường Trung Quốc và châu Phi tương đối ổn định, nhưng năm nay Trung Quốc siết đường tiểu ngạch, xuất khẩu gạo cũng như hàng hóa vào Trung Quốc thì các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh hạn ngạch. Hơn nữa, giá gạo của nước khác cũng cạnh tranh với gạo Việt Nam. Nếu doanh nghiệp nào tranh thủ mua ngay bán ngay thì mới duy trì được xuất khẩu.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sụt giảm. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh khó khăn về thị trường, nguồn lực của doanh nghiệp trong nước cũng có phần hạn chế, một phần do kinh phí đầu tư và trữ gạo của doanh nghiệp thấp. Khi nhận nhiều hợp đồng cùng lúc thì doanh nghiệp phải tự giảm bớt hợp đồng để có thể cân đối nguồn gạo trong kho, giao hàng đúng hẹn hợp đồng.

Theo bà Tạ Thu Thủy, Giám đốc Công ty XNK Thu Thanh, Đồng Tháp, dự báo, do hiện tượng Elnino nên năng suất của vụ lúa Đông Xuân 2016-2017 sẽ giảm, dẫn đến sản lượng giảm. Cũng từ nguyên nhân này, Chính phủ không đưa ra chính sách tạm trữ gạo cho các doanh nghiệp và nông dân.

Trong khi đó, doanh nghiệp lại có nhu cầu trữ hàng để chủ động trong việc kí kết hợp đồng tự do. Muốn như vậy thì tại kho doanh nghiệp phải có ít nhất 50% nguồn hàng dự trữ. Thế nhưng, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lớn với tiềm lực mạnh thì rất ít, còn lại là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn lưu động không đủ để xoay sở, dẫn đến khi có hợp đồng thì không có hàng hóa.

Thêm vào đó là những yêu cầu kĩ thuật của các nước nhập khẩu khó tính ngày càng cao, hiện tượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn trong gạo cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi giao hàng xuất khẩu.

Kết hợp liên hoàn nhiều giải pháp

Trước biến động giảm của ngành xuất khẩu gạo năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải kết hợp liên hoàn nhiều giải pháp cùng lúc mới đủ sức vực dậy ngành gạo Việt Nam.

Theo ông Đỗ Hà Nam, hiện nay nhiều quốc gia gia tăng nhập khẩu gạo nếp và gạo Japonica chất lượng cao. Do đó, các doanh nghiệp có thể đầu tư vùng nguyên liệu có quy hoạch 2 loại gạo này để đáp ứng các thị trường khó tính. Đồng thời, khi giá thị trường biến động mạnh thì doanh nghiệp phải áp dụng chiến lược mua ngay, bán ngay để tránh giữ hàng chờ, khi giá xuống thấp lại không bán được.

Muốn hướng đến hạt gạo chất lượng thì phải thay đổi tập quán canh tác của chính nông dân trước tiên. Đây chính là yếu tố gây ra thừa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt gạo, TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ.

Từ một nước nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới. Ảnh: TTXVN

Một giải pháp nữa là Chính phủ cho thực hiện chính sách tạm trữ trở lại trong năm 2017 để hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp gia tăng nguồn vốn lưu động, và chính sách thông thoáng khi tiếp cận vốn ngân hàng.

Bởi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã dồn nguồn lực đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến cho xuất khẩu thì đã cạn kiệt vốn cho lưu trữ nguồn hàng. Vì vậy, chính sách tạm trữ chính là cứu cánh cho doanh nghiệp gia tăng hợp đồng xuất khẩu, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực, thực phẩm Long An đề xuất.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2017, thị trường nội địa cũng được các doanh nghiệp chú trọng giữ vững. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo cũng không được quên thị trường nội địa.

Bởi vì nguồn gạo tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn cao hơn gạo xuất khẩu. Ước tính, mỗi năm, thị trường nội địa tiêu thụ hơn 12 triệu tấn gạo. Do đó, thị trường nội địa vẫn là thị trường tiềm năng hấp dẫn cho gạo từ các nước khác thâm nhập. Sắp tới, VFA sẽ đề xuất Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài chính giảm thuế cho doanh nghiệp tiêu thụ gạo tại thị trường nội địa từ 5% xuống còn 0% trong khoảng thời gian từ 5-7 tháng tới của năm 2017.

Thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch từng tiểu vùng chuyên canh cụ thể như vùng Tứ Giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười, vùng Bán đảo Cà Mau, các tỉnh ven biển sản xuất lúa – tôm, vùng chuyên canh nếp và gạo Japonica khu vực phía Bắc, ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt chia sẻ.

Dự kiến, với những giải pháp liên hoàn này, trong năm 2017, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,4 – 6,5 triệu tấn gạo./.

>>> Năm 2017, dự báo xuất khẩu gạo chỉ đạt trên 5 triệu tấn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục