Ngân hàng Anh thay đổi chiến lược vận động trước nguy cơ “Brexit cứng”

05:45' - 18/10/2016
BNEWS resa May mới đây đã tuyên bố London sẽ chính thức khởi động quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trước cuối tháng 3/2017.
Ngân hàng Anh thay đổi chiến lược vận động trước nguy cơ “Brexit cứng”. Ảnh: EPA

Hơn ba tháng kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý với phần thắng bất ngờ thuộc về phe ủng hộ Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May mới đây đã tuyên bố London sẽ chính thức khởi động quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trước cuối tháng 3/2017.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là “xứ sở sương mù” sẽ lựa chọn một kịch bản Brexit như thế nào, tương lai thương mại giữa Anh và EU sẽ ra sao cùng những tác động của kịch bản đó đối với nền kinh tế vốn được coi là trung tâm tài chính của châu Âu.

Kể từ khi kết quả Brexit, chỉ việc cử tri Vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi EU, được công bố, các ngân hàng tại Anh đã nhóm họp nhiều lần với Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond nhưng vẫn chưa có dịp thảo luận chính thức với hai Bộ trưởng trực tiếp phụ trách tiến trình đưa Anh ra khỏi “ngôi nhà chung” châu Âu đó là Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liam Fox và Bộ trưởng Brexit David Davis.

Tuy nhiên, giờ đây khi bắt đầu xuất hiện những đồn đoán về việc hai vị bộ trưởng từng tham gia vận động bỏ phiếu cho Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 này đang hướng đến một kịch bản “Brexit cứng”, có nghĩa là chia tay một cách dứt khoát và không vướng bận với EU, các “nhà băng” đã phải xem xét lại chiến lược vận động của mình.

Kịch bản nào dành cho Anh?

Hiện nay, các công ty tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tại “xứ sở sương mù” đang dựa vào cơ chế “quyền hộ chiếu” để tiếp cận thị trường chung châu Âu. Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp có trụ sở tại Anh và hoạt động theo luật pháp Anh cung cấp dịch vụ tài chính sang khắp thị trường EU và rộng lớn hơn là Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), bao gồm 28 quốc gia trong đó có cả Na Uy, Iceland và Lichtenstein, mà chỉ cần tuân thủ một số quy định.

“Quyền hộ chiếu” mang đến cho doanh nghiệp hai lựa chọn, hoặc là xây dựng chi nhánh tại các nước thuộc EEA, hoặc là cung cấp dịch vụ xuyên biên giới từ xa. Hình thức này giúp tiết kiệm những khoản chi phí khổng lồ liên quan đến việc thiết lập trụ sở cũng như tuân thủ các quy định tại từng quốc gia thành viên EU.

Khu vực tài chính hiện đang chiếm khoảng 8% nền kinh tế Anh, đóng góp 3,4% số việc làm và 10% hoạt động xuất khẩu. Điều này phản ánh những tác động to lớn của lĩnh vực này đến nền kinh tế Anh nói chung. Cũng chính bởi lẽ đó mà giới phân tích bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai của cơ chế “quyền hộ chiếu” vào thời khắc nước Anh chính thức rời khỏi EU.

“Quyền hộ chiếu” là một phần của thỏa thuận EEA, do đó nếu trong “cuộc chia ly” với EU, nước Anh vẫn giữ được quyền tiếp cận hoặc có thể tái gia nhập thị trường chung châu Âu thì “tấm vé” cho phép doanh nghiệp Anh hoạt động trên lãnh thổ các nước thuộc EEA sẽ không bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp ngược lại, nếu nước Anh không thể duy trì tư cách thành viên trong EEA sau khi rời khỏi EU thì cơ chế “quyền hộ chiếu” sẽ không còn hiệu lực và các công ty tài chính đôi bên sẽ đứng trước rủi ro lớn. Khi đó, Vương quốc Anh đứng trước hai lựa chọn.

Một là thiết lập thỏa thuận thương mại song phương với EU (như trường hợp của Thụy Sỹ, quốc gia không phải thành viên EU song vẫn được tiếp cận thị trường này với điều kiện tuân thủ luật chơi của khối).

Thứ hai, Vương quốc Anh sẽ hoàn toàn rút khỏi EEA mà không có bất kỳ thỏa thuận về “quyền hộ chiếu” nào được đưa ra. Dù Chính phủ Anh nghiêng về phương án nào thì khả năng cung cấp dịch vụ trong khối EEA của các doanh nghiệp vẫn sẽ chịu tác động tiêu cực.

Về lựa chọn thứ nhất, giới chuyên gia cho rằng với sức hút của một trung tâm tài chính toàn cầu, London sẽ có nhiều lợi thế trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận song phương với EU nếu lựa chọn mô hình Thụy Sỹ. Tuy nhiên, mô hình Thụy Sỹ yêu cầu doanh nghiệp muốn giao thương tại EU phải có văn phòng nằm bên trong khối, trong khi số lượng dịch vụ được cung cấp cũng rất hạn chế.

Đó là chưa kể đến việc nước Anh bấy lâu nay luôn là nhà xuất khẩu dịch vụ tài chính lớn của châu Âu và việc Anh rời EU có thể giúp các nước thành viên loại bỏ cái “gai trong mắt” và tỏ ra không mấy mặn mà trong đàm phán về hiệp định thương mại với Anh.

Ở trường hợp còn lại, nếu cơ chế “quyền hộ chiếu” bị vô hiệu hóa, dẫn đến việc tiếp cận thị trường châu Âu bị hạn chế, “Brexit cứng” sẽ khiến ngành tài chính của Anh điêu đứng. Trong đó, ngoài yếu tố bất ổn về kinh tế, Anh sẽ phải gánh chịu thiệt thòi từ việc các doanh nghiệp tài chính dịch chuyển dịch vụ sang một nước thành viên EU khác để đảm bảo quyền tiếp cận thị trường EEA.

Hậu quả là, nếu đem so với kịch bản khi Anh vẫn là một thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu, thì những đóng góp của ngành tài chính đối với kinh tế Anh nói chung sẽ bị thu hẹp lại với lựa chọn trên.

Giá đắt của “Brexit cứng”

Hơn ai hết, giới ngân hàng có lý do để lo lắng về điều này. John McFarlane, Chủ tịch ngân hàng Barclays và tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính TheCityUK đã nhận định trên tờ Financial Times rằng các cuộc đàm phán mang tính cứng rắn về Brexit sẽ làm gia tăng bất ổn, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân đối với đất nước và có thể là động lực khiến các doanh nghiệp khởi động tiến trình rời khỏi Vương quốc Anh.

Brexit và hệ quả nhãn tiền đối với kinh tế Anh. Ảnh: sprnews.com.vn

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA), gần 5.500 công ty tại Vương quốc Anh đang dựa vào cơ chế “quyền hộ chiếu” để giao thương trong châu Âu trong khi có hơn 8.000 công ty đăng ký hoạt động tại EU sử dụng tấm vé này trong các hoạt động tại nước Anh. Liên quan đến vấn đề trên, Giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư JPMorgan, Daniel Pinto, cho biết thật khó hình dung các ngân hàng sẽ phục vụ các khách hàng như thế nào và kinh tế châu Âu sẽ ra sao nếu nước Anh không thể tiếp cận thị trường chung châu Âu.

Trong khi đó, các giám đốc điều hành và các nhà tư vấn cho rằng khoảng 20% doanh thu của các thị trường vốn và ngân hàng đầu tư, trị giá khoảng 9 tỷ bảng, sẽ bị ảnh hưởng nếu nước Anh không thể tiếp cận hệ thống “hộ chiếu” kể trên.

Oliver Wyman, công ty tư vấn tài chính toàn cầu (trụ sở tại Mỹ), trong một báo cáo công bố ngày 4/10 đã nhận định rằng nếu "Brexit cứng" xảy ra, ngành tài chính Anh có khả năng mất đi quyền tiếp cận tự do với thị trường châu Âu, do đó có thể làm thất thu 38 tỷ bảng Anh. Bên cạnh đó, "Brexit cứng" còn sẽ khiến 75.000 người mất việc làm.

Báo cáo của công ty kiểm toán PwC ước tính xu hướng dịch chuyển các mảng dịch vụ sẽ khiến GDP của Anh giảm bớt đi 0,4% đến năm 2030, trong khi các rào cản thương mại sau khi cơ chế “quyền hộ chiếu” bị vô hiệu hóa sẽ khiến sức đóng góp của các ngành dịch vụ tài chính vào kinh tế Anh giảm khoảng 0,6-2,2% GDP. Ngoài ra, báo cáo cũng cảnh báo rằng đến năm 2030, Vương quốc Anh sẽ mất khoảng 30.000 việc làm.

Xoay chiều chiến lược khó thành công

Tâm lý quan ngại của giới ngân hàng đã được đẩy lên cao sau bài phát biểu của Thủ tướng Theresa May hôm 2/10, mà tại đó bà May đã truyền đi thông điệp là nước Anh sẽ đặt vấn đề kiểm soát đường biên giới, dân nhập cư lên hàng đầu, trên cả vấn đề làm thế nào để “xứ sở sương mù” vẫn có thể tiếp cận thị trường chung của EU.

Ngay sau bài phát biểu này, các tổ chức tài chính thương mại lớn của Anh như TheCityUK hay Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA) đã lên tiếng kêu gọi chính phủ đảm bảo một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 5 năm kể từ sau khi Vương quốc Anh chính thức rời EU, mà theo họ sẽ là bước đệm nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh cũng như tránh khỏi những cú sốc lớn đối với các thị trường tài chính.

Miles Celic, Giám đốc điều hành tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính TheCityUK, cho hay điều mà các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính và các dịch vụ chuyên nghiệp khác muốn ngay lúc này đây là đảm bảo một giai đoạn chuyển tiếp để bảo vệ sự ổn định tài chính.

Tuy nhiên, giới ngân hàng nói riêng lại tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của khoảng thời gian 5 năm chỉ dùng để sắp xếp lại các hoạt động tài chính và nói rằng thỏa thuận này, nếu đạt được, sẽ cần phải sẵn sàng trước khi nước Anh chính thức khởi động tiến trình rời khỏi EU vào năm sau để loại trừ khả năng các ngân hàng di dời nhân viên và hoạt động ra khỏi “xứ sở sương mù” vì quan ngại thị trường bị thu hẹp trong giai đoạn “hậu” Brexit.

Điều này, theo các chuyên gia ngân hàng và các luật sư, là khó xảy ra vì các nước thành viên khác của EU trước đó đã khẳng định rằng họ sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nhượng bộ hay miễn giảm nào với nước Anh cho đến khi London chính thức kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon - thủ tục chính thức đưa Anh rời khỏi EU.

Bên cạnh đó, khái niệm về một giai đoạn chuyển tiếp chưa từng được đàm phán trước đây và có thể sẽ kéo theo một loạt vấn đề phức tạp như tư cách của nước Anh đối với EU trong khoảng thời gian đó.

Một lý do nữa là quan điểm ưu tiên kiểm soát biên giới nước Anh của hai Bộ trưởng Davis và Fox. Nhiều ý kiến dự đoán rằng các cuộc thảo luận giữa London và Brussels sẽ kết thúc với một sự thỏa hiệp hoặc nước Anh giành quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu hoặc thỏa thuận kiểm soát dòng người nhập cư. Tháng trước, Bộ trưởng Davis đã từng nói rằng khả năng nước Anh sẽ tiếp tục ở lại thị trường chung châu Âu là “không chắc”.

Tương lai của London với tư cách là trung tâm tài chính của châu Âu sẽ là một chủ đề quan trọng được đưa ra thảo luận trong các cuộc đàm phán Brexit bởi đây là nơi xuất khẩu cũng như nguồn thu thuế lớn nhất “xứ sở sương mù”.

Lĩnh vực tài chính Anh mỗi năm thu về khoảng 190-205 tỷ bảng Anh và dành từ 60-67 tỷ bảng để nộp thuế. Hàng năm cũng có khoảng 1,1 triệu việc làm được tạo mới trong ngành này.

Trên thị trường tài chính Anh, lập trường cứng rắn của Thủ tướng Theresa May trong vấn đề Brexit đã khiến người ta lo ngại về một kịch bản Brexit “không nhẹ nhàng” cũng như đẩy giá trị đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất của 5 năm qua so với đồng euro và mức thấp mới trong 31 năm trở lại đây so với đồng USD.

Đồng bảng Anh đã rớt giá tổng cộng 2,1% so với đồng euro từ đầu tuần tới nay, xuống còn 0,8814 bảng đổi 1 euro, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ năm 2011 là 0,8842 bảng/euro. Trong khi đó, đồng bảng giảm khoảng 2% so với đồng USD, xuống còn 1,2691 USD, mức thấp chưa từng có kể từ giữa thập niên 1980.

Trevor Green, người đứng đầu bộ phận giao dịch chứng khoán thuộc công ty Aviva Investors, cho hay đối với các nhà đầu tư toàn cầu, đây là thời điểm đáng để họ lo lắng về những tác động tiêu cực tiềm ẩn của Brexit. Yếu tố được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới biến động của đồng bảng trong thời gian tới là báo cáo mùa Thu của Chính phủ, dự kiến được công bố vào ngày 23/11, trong đó Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond sẽ công bố những ưu tiên trong kế hoạch chi ngân sách.

Ngoài ra, thị trường tiền tệ cũng sẽ để mắt tới động thái tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong quyết định về lãi suất, cũng như các số liệu kinh tế cho thấy quyết định Brexit tác động tới kinh tế "xứ sở sương mù".

Các chuyên gia tiền tệ đánh giá khả năng “Brexit cứng” gia tăng. Đồng bảng rớt giá mạnh cũng một phần vì thị trường tiền tệ nhìn nhận rằng tuyên bố của bà May cho thấy việc Anh rút khỏi Thị trường chung châu Âu là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh mối quan ngại của thị trường về sự mất cân đối về cơ cấu của kinh tế Anh, trong bối cảnh thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này vẫn ở mức lớn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục