Ngành dệt may hướng tới nâng cao kỹ năng cho người lao động

11:04' - 19/06/2017
BNEWS Các doanh nghiệp thuộc Vinatex mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn về thị trường, tỷ giá, tăng lương tối thiểu… nhưng vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp đối với người lao động.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Công đoàn Dệt may Việt Nam và các đoàn cơ sở đã triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác.

Các doanh nghiệp thuộc Vinatex mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn về thị trường, tỷ giá, tăng lương tối thiểu… nhưng vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp đối với người lao động chính là nhờ cán bộ công đoàn tại các đơn vị.

Ngành dệt may hướng tới nâng cao kỹ năng cho người lao động. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Thời gian qua, Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với Vinatex ký các công văn liên tịch về phát động phong trào thi đua lao dộng suất xắc năm 2017.

Công đoàn Dệt may Việt Nam chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức hội nghị người lao động đảm bảo dân chủ và đúng quy định.

Cùng đó, phối hợp thực hiện huy động, quản lý và sử dụng quỹ từ thiện xã hội; thỏa thuận về chương trình phúc lợi đoàn viên giảm giá ưu đãi cho người lao động có thẻ Đoàn viên Công đoàn; hướng dẫn các đơn vị xây dựng quy chế dân chủ, quy chế đối thoại tại cơ sở năm 2017.

Các công đoàn cơ sở đã ngày càng chủ động, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với đặc thù ngành nghề và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về vai trò của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Tiến Trường, qua 1 năm phối hợp, đa số các hoạt động đó mới chỉ mang tính giáo dục mà chưa tính đến hiệu quả thật sự mang lại cho người lao động và doanh nghiệp.

Số liệu thống kê gần đây cho thấy Việt Nam là nước có năng suất lao động thấp nhất trong 5 nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới.

Chính vì vậy, theo ông Lê Tiến Trường, thời gian tới Công đoàn Dệt may Việt Nam cần tham gia huấn luyện người lao động để sớm đạt kỹ năng nghề và chủ trì xây dựng, đánh giá hiệu quả nề nếp xây dựng văn minh, văn hóa doanh nghiệp. Đoàn viên Công đoàn là lao động giỏi cần kèm cặp những người công nhân yếu kém hơn để cùng nhau phát triển.

Công đoàn Dệt may Việt Nam và công đoàn cơ sở nên nghiên cứu, đưa ra những tiêu chí khuyến khích những người lao động tốt giúp họ phấn đấu hơn nữa để tăng năng suất lao động và gắn bó hơn với doanh nghiệp.

Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh, đã đến lúc hoạt động công đoàn cần hướng tới yếu tố chuyên môn và phân tích hoạt động con người chứ không phải đi sâu vào các hoạt động nữa.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành tăng 10,5% và dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD năm 2017 (tính đến thời điểm này, ngành dệt may Việt Nam là ngành công nghiệp duy nhất của cả nước hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục