Doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ hợp tác trong ngành dệt may

15:29' - 10/05/2017
BNEWS Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may Ấn Độ mong muốn đẩy mạnh hợp tác và trao đổi thương mại với doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ hợp tác trong ngành dệt may. Ảnh minh họa: Quốc Việt - TTXVN

Ngày 10/5, tại buổi họp báo giới thiệu “Triển lãm dệt Ấn Độ - Textiles India 2017” tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, bà Smita Pant, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may Ấn Độ mong muốn đẩy mạnh hợp tác và trao đổi thương mại với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo bà Smita Pant, Việt Nam và Ấn Độ đã có quan hệ hợp tác tốt trên các lĩnh vực văn hóa, chính trị và cả kinh tế.

Trong đó, lãnh đạo hai nước đã xác định dệt may là một trong những ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu, cần đẩy mạnh hợp tác thông qua xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu.
Ông Ronak Roughani, Phó Chủ tịch Hội đồng Dệt tổng hợp và tơ nhân tạo Ấn Độ cho biết, dệt may là ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong việc xuất khẩu của Ấn Độ hiện nay.

Dệt may Ấn Độ đã phát triển được chuỗi cung ứng sản phẩm hoàn thiện và là một trong những nhà cung cấp nguyên phụ liệu, tơ sợi, vải có chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Kim ngạch xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Ấn Độ sang Việt Nam trong những năm gần đây tăng trung bình khoảng 20%/năm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Ấn Độ tin rằng thị trường dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển và cơ hội gia tăng trao đổi thương mại trong ngành dệt may giữa hai nước là rất lớn.

Đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác trong việc đầu tư, xuất khẩu nguyên phụ liệu và hỗ trợ kỹ thuật để cùng nhau phát triển.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, ngành dệt may Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2016 đạt khoảng 28,5 tỷ USD.
Nhưng, Việt Nam cũng là một trong những nước nhập khẩu vải, sợi, nguyên phụ liệu nhiều nhất trên thế giới.

Thiếu nguyên phụ liệu đạt chuẩn về chất lượng và kỹ thuật theo yêu cầu của đối tác chính là khó khăn lớn nhất của dệt may Việt Nam trong việc tận dụng lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do đem lại.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào một vài nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu sẽ hạn chế phát triển và sản xuất của các doanh nghiệp.

Do đó, việc đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên phụ liệu ngoài các đối tác truyền thống như ASEAN và Trung Quốc là một nhu cầu cấp thiết của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đánh giá cao chất lượng cũng giá cả cạnh tranh của các sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may từ Ấn Độ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung nguyên phụ liệu ngoại nhập thì việc mở rộng và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Ấn Độ là một trong những giải pháp hiệu quả.
Việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm chuyên ngành chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thêm một nguồn cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất và chia sẻ các công nghệ và mô hình sản xuất, kinh doanh thành công.
Mặt khác, doanh nghiệp Ấn Độ cũng có thể tận dụng các chương trình xúc tiến thương mại để tham gia vào thị trường Việt Nam thông qua các quan hệ hợp tác đa dạng và phù hợp.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp dệt may Ấn Độ có lợi thế về nguyên phụ liệu, kỹ thuật, công nghệ.

Do đó, các nhà máy dệt, sợi Việt Nam có thể liên kết và thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Ấn Độ nhằm tạo ra chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy ngành dệt may của hai nước cùng phát triển.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục