Ngành dệt may loay hoay gỡ nút thắt - Bài 2: Bắt đầu từ khâu khâu dệt, nhuộm

20:52' - 05/11/2016
BNEWS Đã đến lúc ngành không chỉ chờ đợi vào những đơn hàng "ăn đong" hay những phương án tình thế mà phải chủ động tìm kiếm các giải pháp mang tính dài hơi để tạo bàn đạp cho ngành phát triển bền vững.
Dây chuyển sản xuất hàng may mặc hiện đại của Công ty Dệt may 29/3. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Trước những khó khăn đang đặt ra khiến ngành dệt may có khả năng không đạt mục tiêu kế hoạch cả năm, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã khuyến cáo các doanh nghiệp phải thích ứng với tình hình thị trường; chấp nhận việc chuyển đổi đơn hàng để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống; khai thác, mở rộng thêm các thị trường ngách ở Trung cận Đông, châu Phi….

Đồng thời, tăng cường mở rộng thị trường nội địa với đa dạng hóa các mặt hàng, phù hợp thị hiếu và thu nhập của người dân ở vùng miền, có như vậy mới tận dụng tối đa sức mua của đất nước có đến 90 triệu dân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực dệt may, đã đến lúc ngành không chỉ chờ đợi vào những đơn hàng "ăn đong" hay những phương án tình thế mà phải chủ động tìm kiếm các giải pháp mang tính dài hơi để tạo bàn đạp cho ngành phát triển bền vững.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, dệt may Việt Nam tuy mạnh về khâu gia công xuất khẩu (cắt, may), nhưng lại rất yếu về khâu thượng nguồn (sợi, dệt, nhuộm…).

Hiện có tới 99% lượng bông, gần 60% vải dệt thoi và trên 30% dệt vải ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu. Riêng ngành sợi trong nước đã có bước bứt phá vượt bậc.

Cách đây 5 năm cả nước chỉ sản xuất khoảng 2,7 triệu cọc sợi các loại, nhưng đến năm 2016 dự kiến sản xuất trên 7 triệu cọc.

Ngành dệt may Việt Nam đang kêu gọi các doanh nghiệp tập trung đầu tư cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, bằng giải pháp thành lập mới các doanh nghiệp ở khâu thắt nút là sợi, dệt, nhuộm hoàn tất.

Việc Việt Nam kết thúc đàm phán FTA với EU, ký FTA với Hàn Quốc và ký Hiệp định TPP đã mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Nếu giai đoạn 2000-2013, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may chỉ đạt 8,2 tỷ USD thì 2 năm sau đó (2014-2015), con số này đã  tăng thêm 6 tỷ USD và dự báo trong 2-3 năm tới hàng loạt các nhà máy sẽ ra đời.

Dự kiến, đến năm 2018-2020, doanh nghiệp trong nước sẽ đáp ứng khoảng 65-67% nhu cầu sợi chung trong nước.

Song, để đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may đòi hỏi các doanh nghiệp phải có trình độ về kỹ thuật cũng như tiềm lực mạnh về kinh tế.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam phân tích, nếu như đầu tư vào công đoạn may chỉ cần từ 100 tỷ đồng là đã có một nhà máy, với khoảng 20 chuyền may, thu dụng cả nghìn lao động, thì đầu tư vào khâu sợi, dệt, nhuộm sẽ có nhu cầu vốn gấp nhiều lần.

Nhưng, để có một nhà máy từ khâu kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất quy mô ở mức trung bình, nhà đầu tư phải sử dụng số vốn lên đến cả nghìn tỉ đồng.

Để thu hút các doanh nghiệp đầu từ vào lĩnh vực này, theo ông Trương Văn Cẩm, Nhà nước và các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên tập trung phát triển vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm - hoàn tất tại các khu công nghiệp lớn từ 500 - 1.000 ha ở những vùng trọng điểm với kết cấu giao thông thuận lợi, nâng cấp hạ tầng tại các khu vực này…

Ngoài ra, nhà nước cũng hỗ trợ các địa phương đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ.

Đã có không ít dự án lớn trong lĩnh vực này đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, nhưng gặp khó khăn hoặc thất bại do thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp mạnh trong nước cũng cần phối hợp triển khai một số dự án lớn tại các trung tâm dệt may của cả nước, hình thành chuỗi liên kết tại mỗi vùng, miền, tạo ra đối trọng trong khu vực giữa doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài về quan hệ lao động, thu nhập, bảo vệ môi trường, nghĩa vụ với Nhà nước, địa phương, người lao động.

Đặc biệt, cần chú trọng khâu chuyển giao công nghệ, lồng ghép chương trình đào tạo cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ khi ký hợp đồng mua máy móc, thiết bị.

Về phía mình các doanh nghiệp dệt may cũng mong muốn Chính phủ quy hoạch lại ngành may cho phù hợp thực tế phát triển ngành và có những chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực dệt sợi để được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại.

Đồng thời, hạn chế không mở thêm các doanh nghiệp may mà phát triển các doanh nghiệp phụ trợ về dệt nhuộm./.

Xem thêm: Ngành dệt may loay hoay gỡ nút thắt - Bài 1: Đơn hàng “ăn đong”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục