Doanh nghiệp dệt may áp dụng Lean để tăng năng suất lao động

12:33' - 02/09/2016
BNEWS Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã áp dụng sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) vào sản xuất nhờ đó giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động cũng như giảm chi phí sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp dệt may áp dụng Lean để tăng năng suất lao động. Ảnh minh họa: TTXVN.

Theo ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, áp dụng phương pháp Lean mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: giảm thiểu mức hàng tồn kho ở tất cả công đoạn sản xuất, giảm phế phẩm; bảo đảm công nhân đạt năng suất cao nhất trong thời gian làm việc; tận dụng thiết bị và mặt bằng; có khả năng sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau một cách linh động hơn với chi phí và thời gian chuyển đổi thấp nhất…. Khi áp dụng mô hình Lean, năng suất lao động của công ty tăng 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, giảm giờ làm 1 giờ/ngày, tăng thu nhập trên 10%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm. 

Sau khi áp dụng Lean, năng suất của Tổng Công ty May Nhà Bè đã tăng hơn 20%. Năng suất, chất lượng của từng chuyền đã được ổn định và kiểm soát qua từng giờ sản xuất. Thu nhập của người lao động tăng lên đáng kể. Đặc biệt từ khi áp dụng Lean, May Nhà Bè đã giảm giờ làm cho công nhân 1 giờ/ngày, được nghỉ chiều thứ 7 và tuyệt đối không phải làm ca, kíp. 

Cũng nhờ áp dụng LEAN thành công từ năm 2008 kết quả kinh doanh của Tổng Công ty may Việt Tiến cũng rất khả quan, năng suất lao động nâng cao rõ rệt, tăng bình quân 20% so với trước đây, tiền lương công nhân tăng, giảm hàng lỗi, tiết kiệm mặt bằng để đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới mà không phải xây dựng nhà xưởng… 

Tổng công ty dệt may Hòa Thọ sau khi áp dụng Lean đã giảm lượng tồn kho trên chuyền từ 30 sản phẩm xuống còn 3 sản phẩm, hàng lỗi giảm từ 20% xuống còn 8%, không cần làm thêm giờ mà thu nhập bằng như khi tăng ca. Sau khi áp dụng ở 3 nhà máy đầu năm 2014, Công ty CP May Hòa Thọ (Duy Xuyên) đã đầu tư chuyển đổi toàn bộ 8 dây chuyền theo mô hình Lean. Với mô hình này, cùng với hệ thống máy điện tử được đầu tư mới, các khâu sản xuất sẽ được tiết giảm. Việc thiết lập chuyền may theo hình chữ U đã giúp cho các chuyền trưởng bao quát và giám sát được quy trình sản xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời để dây chuyền không bị gián đoạn giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, vừa giải quyết được vấn đề thu nhập cho người lao động, giảm được sự cạnh tranh về lao động với các đơn vị khác 

Tổng công ty may Hưng Yên khi áp dụng Lean cho 1 chuyền chỉ trong 3 tuần kết quả năng suất đã tăng 21%, cho thấy Lean là mô hình các doanh nghiệp may cần triển khai. 

Các doanh nghiệp dệt may khi áp dụng Lean đều khẳng định tính ưu việt vượt trội trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất, kinh doanh của đơn vị từ 15 – 20%, song họ cũng thừa nhận việc triển khai và áp dụng không hề đơn giản vì quá trình áp dụng Lean là một quá trình lâu dài và cần phải xây dựng từng bước. 

Theo ông Thân Đức Việt, áp dụng Lean là một quá trình lâu dài và phải xây dựng từng bước, cần phải thay đổi tư duy từ cán bộ quản lý đến người lao động. Áp dụng Lean, doanh nghiệp không chỉ cần đến bàn tay người lao động mà còn cần đến trí tuệ, tâm huyết. Chỉ khi ý chí đoàn kết và thông suốt từ trên xuống thì Lean mới có thể triển khai và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. 

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Dương – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Hưng Yên cho rằng, vai trò của người lao động rất quan trọng, người lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm vận động, tuyên truyền để họ thấy lợi ích của mô hình này, đó là giảm giờ làm, tăng thu nhập, môi trường làm việc hiện đại và chuyên nghiệp. Ngoài ra, đây là mô hình quản lý “động”, vì vậy áp dụng tại mỗi doanh nghiệp một khác, không nên áp dụng một cách dập khuôn, sáo rỗng. Lean yêu cầu chỉ sản xuất vừa đủ, hạn chế hàng tồn kho. Nhưng điều này lại làm lộ ra những tổn thất tiềm ẩn và tăng áp lực cho nhà quản lý như máy hư không sửa kịp, công nhân bệnh đột xuất . . . dẫn đến không làm kịp đơn hàng. 

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận lợi ích từ việc áp dụng Lean trong các doanh nghiệp ngành may mặc, điều này đã được chứng minh một cách đầy thuyết phục trong các doanh nghiệp ngành may như Tổng công ty may Nhà Bè, Tổng công ty may Việt Tiến… Công việc sản xuất tại các dây chuyền cắt, may thường luôn bận rộn nhưng đạt hiệu quả không cao thì khi áp dụng Lean đã triệt tiêu lãng phí một cách đáng kể, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, giảm giờ làm, tăng thu nhập cho người lao động. Nhờ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường./. 

Hằng Trần

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục