Ngành ngân hàng rốt ráo hỗ trợ doanh nghiệp

17:51' - 12/08/2016
BNEWS Triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ do Ngân hàng Nhà nước là nhiệm vụ chính trong giai đoạn 2016-2020 của ngành ngân hàng.
Ngành ngân hàng rốt ráo hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 12/8, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, đây là chương trình hành động, là nhiệm vụ chính trong giai đoạn 2016-2020 của ngành ngân hàng.

Cuối tháng 6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Quyết định số 1355/QĐ-NHNN về việc ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020 triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ với mục tiêu tổng quát là tập trung hỗ trợ cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, triển khai kế hoạch hành động này, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó chương trình kết nối ngân hàng đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua.

Năm nay là năm thứ 5 triển khai chương trình kết nối ngân hàng. Bình quân mỗi năm thành phố tổ chức khoảng 26 - 30 đợt kết nối ngân hàng. Đây là chương trình ký thật làm thật, rất hiệu quả. Hơn 310 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân chưa có nợ xấu hay nợ quá hạn.

Ngành ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đầu mối như ủy ban nhân dân các quận, huyện để rà soát xem có bao nhiêu doanh nghiệp đã được cấp phép, bao nhiêu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mà chưa được vay để từ đó ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

“Đến thời điểm hiện nay, không có hiện tương doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn, có chăng chỉ là doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn”, ông Nguyễn Hoàng Minh nói.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin, với những doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả nhưng không đủ điều kiện vay vốn như thiếu tài sản thế chấp, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố đã phối hợp với các ngân hàng thương mại xem xét cho vay tín chấp. Ngoài ra, chi nhánh cũng đề nghị sự hỗ trợ từ quỹ bảo lãnh tín dụng, tuy nhiên quỹ này đang hoạt động còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho hay, lãi suất hiện nay khá hợp lý, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất trung, dài hạn ổn định trong suốt thời gian vay vốn. Hiện đã có một số ngân hàng thực hiện việc này.

Ông Khúc Văn Họa, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) nhận định, việc phát triển khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được TPbank xác định là phân khúc khách hàng chiến lược. Nhu cầu của khối doanh nghiệp này là vay vốn.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp vừa và nhỏ vấn đề hồ sơ thủ tục là một trong những khó khăn, TPbank đang tập trung tháo gỡ khó khăn này, từ quy trình nội bộ để sát với thực tế và tình hình doanh nghiệp. Ngân hàng cũng ứng dụng một số công nghệ, cố gắng rút ngắn thời gian, giảm bớt thủ tục không cần thiết.

Ông Khúc Văn Họa cũng nhận định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường xuyên bị vướng ở tài sản thế chấp, nếu cứ yêu cầu chặt thì câu chuyện này sẽ đi vào bến tắc. Vì vậy, chính sách của TPbank đã quy định rất rõ, khi xem xét cho vay hãy hiểu rõ hơn về khách hàng, nếu khách hàng có phương án tốt, hiệu quả, sẵn sang cho vay không cần tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, vị Phó Tổng giám đốc TPbank cũng nhận định, nội lực của những doanh nghiệp này yếu, mặc dù ngân hàng rất tạo điều kiện nhưng nhiều khi phải “vật lộn” với hồ sơ của họ. Đấy là một trong những rào cản.

Bên cạnh đó, mặc dù đã cố gắng tiết giảm để giảm lãi suất, tuy nhiên chỉ chông chờ vào vốn từ thị trường 1 thì cơ hội để có nguồn vốn giá rẻ rất ít. Chính vì vậy, để có cơ hội vốn giá rẻ, cần cố gắng mở rộng sự hỗ trợ từ một số tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, ông Phó Tổng giám đốc TPbank cũng cho rằng, cần thiết phải có sự phối hợp với các bộ ngành khác để doanh nghiệp có sức khỏe tốt hơn. Doanh nghiệp có sức khỏe tốt thì các ngân hàng mới yên tâm cung cấp vốn.

Ông Trương Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), khẳng định, với vai trò đầu tàu trong lĩnh vực tam nông, Agribank đã triển khai rất nhiều gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thiên tai, những rủi ro về môi trường ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng nông thôn.

Chính vì vậy, với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn gặp rủi ro do thiên tai, đề nghị cho phép được cơ cấu lại nợ lần 2 (trường hợp đã được cơ cấu 1 lần) để giúp đỡ người dân.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, để kế hoạch hành động phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, các đơn vị tại trụ sở chính thường xuyên theo dõi nắm bắt những tồn tại, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhằm kịp thời nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Trong đó, tập trung vào công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục nhằm cắt giảm 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước đề nghị bám sát chỉ đạo, kế hoạch triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của cấp ủy, chính quyền địa phương để đảm bảo hoạt động ngân hàng phù hợp với khách hàng, chiến lược phát triển ở địa phương.

Các tổ chức tín dụng nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp vận vốn tín dụng.

Cùng với đó là tích cực cải tiến mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng có khả năng giao dịch trên các phương tiện điện tử với tính năng an toàn, bảo mật cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục