Bảo hiểm tiền gửi phải tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu

19:49' - 10/08/2016
BNEWS Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tìm kiếm những công cụ mới, nguồn lực mới để vận dụng vào quá trình tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Bảo hiểm tiền gửi phải tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Chiều 10/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam về mô hình hoạt động của tổ chức và định hướng sử dụng công cụ tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại để xử lý nợ xấu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Nguyễn Quang Huy cho biết, tính đến hết tháng 5/2016, định chế tài chính này theo dõi hơn 3 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.252 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 92 ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, 1.156 quỹ tín dụng nhân dân và 3 tổ chức tài chính vi mô. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện kịp thời, đầy đủ hoạt động cấp và thu hồi Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức tham gia.

Tổng nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến cuối tháng 5/2016 đạt 30.680 tỷ đồng (trong đó vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng). Hơn 99% vốn tạm thời nhàn rỗi được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Phí bảo hiểm tiền gửi là nguồn thu chủ yếu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, phục vụ Quỹ dự phòng nghiệp vụ chi trả cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả. Đến cuối tháng 5/2015, Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt mức 23.437 tỷ đồng.

Đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chi trả cho 1.793 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể bắt buộc. Sau khi chi trả, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia Hội đồng thanh lý tài sản của các tổ chức bị phá sản để tiếp tục theo dõi thu hồi tài sản.

Ghi nhận đóng góp của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng thông qua hoạt động giám sát, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ góp phần tích cực cùng Ngân hàng Nhà nước phát hiện các tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn rủi ro.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nhận xét Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trước đây chủ yếu chỉ được giao giải quyết những tổ chức tín dụng nhân dân đổ vỡ, đến nay, tổng tài sản đã được hơn 30 nghìn tỷ đồng, vì thế, cần được giao thêm chức năng, nhiệm vụ để phát huy tốt hơn vai trò của bảo hiểm tiền gửi.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Cùng quan điểm như vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng cần mạnh dạn đề xuất sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi, tạo vị thế độc lập cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Các đại biểu đều thống nhất điều chỉnh khuôn khổ hoạt động pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo hiểm tiền gửi.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ 5 năm của nhiệm kỳ Chính phủ 2016 – 2021, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cùng với việc cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn bền vững của nợ công, vấn đề tiếp tục tái cơ cấu để xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu một cách thực chất là một trong những nhiệm vụ trọng điểm của ngành tài chính - ngân hàng, cũng là nhiệm vụ trọng điểm của Chính phủ mà Nghị quyết Đại hội XII đã đề ra.

Giai đoạn tới, cần tìm kiếm những công cụ mới, nguồn lực mới để vận dụng vào quá trình tái cấu trúc này.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay Chính phủ đã đặt hàng các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho ngành ngân hàng xây dựng một loạt đề án, như: đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, kèm theo đó là đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đề án tái cơ cấu các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và một số ngân hàng yếu kém.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Định hướng sử dụng công cụ bảo hiểm tiền gửi như thế nào vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại để xử lý nợ xấu? Phó Thủ tướng khẳng định đây là định chế tài chính rất quan trọng nhưng tổ chức hoạt động lại ít được để ý đến và chưa tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Phó Thủ tướng cho rằng quy mô chi trả hiện nay của Bảo hiểm tiền gửi mới chỉ đáp ứng chi trả cho các quỹ tín dụng nhân dân hoặc chỉ đủ sức chi trả cho các tổ chức tín dụng nhỏ bị phá sản.

Để tổ chức này phát triển hơn nữa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Chiến lược phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong thời gian tới phải xác định được vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, gắn với xử lý nợ xấu, đồng thời gắn với hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Trong tháng 9, 10/2016, các tổ chức quốc tế sẽ có phương án tư vấn chính thức cho Chính phủ, trong đó đặt vấn đề tham vấn để sửa đổi Luật bảo hiểm tiền gửi, sửa đổi căn bản về tổ chức hoạt động của bảo hiểm tiền gửi để có thể tham gia một cách tích cực cả về công cụ và nguồn lực vào quá trình tái cơ cấu – Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất sửa Luật bảo hiểm tiền gửi để định chế này có vai trò độc lập hơn trong kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng, giúp Chính phủ sử dụng nguồn lực từ bảo hiểm tiền gửi vào thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu; nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi phù hợp với yêu cầu thực tế, nâng cao niềm tin người gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.

Về xác định mức thu phí trên cơ sở tính toán rủi ro của tổ chức tín dụng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trình đề án lên Ngân hàng Nhà nước để nghiên cứu thận trọng, đề xuất lộ trình thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục