Minh bạch hơn với dự án bất động sản thế chấp ngân hàng

17:39' - 09/08/2016
BNEWS Lần lượt là Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội công bố các dự án bất động sản đang thế chấp tại các ngân hàng và đây được xem như một động thái “minh bạch” hơn về thị trường này.
Các căn hộ khu nhà cao tầng phía Đông quận 2 (TP Hồ Chí Minh) đang được chủ đầu tư hoàn thiện để bán cho khách hàng. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở việc công bố danh sách theo kiểu liệt kê rất dễ gây tâm lý hoang mang cho khách hàng khi mua nhà và tác động xấu đến thị trường.

Chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng, nhiều dự án thế chấp ngân hàng với tỷ lệ khoảng 10% thì cũng không thể khẳng định gây nguy hiểm cho thị trường.

Nếu phát hiện được trường hợp thế chấp cụ thể tất cả các căn hộ trong tương lai hoặc hiện tại ở một hay đồng thời nhiều ngân hàng thì sẽ là câu chuyện nghiêm trọng cần tính toán.

Còn nếu dự án đem đi thế chấp tổng thể nhưng không có căn hộ nào đi thế chấp thì câu chuyện đó là bình thường.

Tuy nhiên, quyền thế chấp thuộc chủ đầu tư nhưng nếu khi tung hàng ra bán các căn hộ trong dự án đó thì buộc giải chấp cho các căn hộ đó.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, đây mới chính là điều cần làm minh bạch chứ không chỉ dừng ở mức công bố chung chung danh sách các dự án bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng. Bởi, bản thân người dân không hiểu cặn kẽ vấn đề sẽ rất hoang mang.

Theo quy định, trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp dự án nhưng có nhu cầu huy động vốn để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật, hoặc có nhu cầu bán, cho thuê, mua nhà ở đó thì phải giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng (trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý).

Do đó, nếu đúng các quy trình trên này thì chuyện thế chấp dự án vẫn đảm bảo các quy định.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu phân tích, doanh nghiệp thế chấp tài sản để vay vốn làm ăn là bình thường, nhất là lĩnh vực bất động sản với nhu cầu nguồn vốn rất lớn.

Hoạt động thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở. Sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường của các doanh nghiệp bất động sản.

Chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận.

Người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản mà ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn.

Trước những lo lắng và hoang mang của khách hàng đang có nhu cầu mua nhà, ông Lê Hoàng Châu khuyến cáo xem xét kỹ quy trình thực hiện thế chấp, giải chấp của chủ đầu tư đối với dự án đó.

Khi ký hợp đồng mua - bán căn hộ, khách hàng nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông báo giải chấp căn hộ đó từ ngân hàng đang cầm cố dự án.

Đồng thời, chứng thư bảo lãnh mua nhà hình thành trong tương lai của ngân hàng theo quy định mới của Luật cũng rất cần thiết.

Về phía cơ quan chức năng, nơi công bố danh sách các dự án bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng cũng khẳng định tình trạng này luôn được kiểm soát chặt; không để xảy ra việc người mua nhà ở các dự án thế chấp bị ảnh hưởng quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu.

Chủ đầu tư phải đảm bảo quyền lợi cho khách hàng mua nhà tại dự án do mình bán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục