Ngành thép đối mặt với hàng nhập khẩu giá rẻ

16:12' - 21/09/2015
BNEWS Lượng thép nhập khẩu 7 tháng ước đạt hơn 8,43 triệu tấn, kim ngạch khoảng 4,47 tỷ USD, tăng 38,6% về lượng và 9,3% về giá trị. Trong đó, thép giá rẻ từ Trung Quốc là hơn 5 triệu tấn, chiếm gần 60%.
Sản xuất ống thép tại Công ty thép Việt-Đức. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo báo cáo mới đây từ Hiệp hội Thép Việt Nam, các nhà sản xuất thép trong nước hiện đang tiếp tục đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ và sức ép từ nguồn cung dư thừa từ các nhà máy Trung Quốc với chiến lược tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. 

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, lượng thép nhập khẩu trong tháng 7/2015 đạt hơn 1,72 triệu tấn, tăng 4,8% so với tháng trước và tăng mạnh 62,1% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 792 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Như vậy, tính chung trong 7 tháng, lượng thép nhập khẩu ước đạt hơn 8,43 triệu tấn, với kim ngạch khoảng 4,47 tỷ USD, tăng 38,6% về lượng và 9,3% về giá trị. Trong đó, lượng thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 5 triệu tấn, chiếm gần 60% và tăng gần 76% so với cùng kỳ 2014. Trong khi đó, tổng lượng thép xuất khẩu chỉ đạt 1,42 triệu tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, đã giảm 5,2% về lượng và 11,4 % về trị giá so với cùng kỳ 2014.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, xuất khẩu giảm, trong khi nhập khẩu liên tục tăng, đặc biệt là lượng thép giá rẻ từ Trung Quốc. Đây là điều đáng lo ngại vì xuất khẩu giảm do các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nhiều thị trường. Trong khi đó, nhập khẩu tăng do lượng thép dư thừa từ Trung Quốc và các nước tràn vào.

Chuyển thép thành phẩm để giao cho khách hàng tại nhà máy. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Ông Wong Chao – Tung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam cho biết, tình hình thép thế giới hiện rất khó dự đoán. Vừa qua, Mỹ đã tiến hành điều tra chống bán giá đối với mặt hàng thép cán nguội và một số sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc, Ấn Độ...

Việc này sẽ khiến các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam sớm trở thành mục tiêu của nguồn hàng dư thừa từ các nhà máy Trung Quốc, khi mà họ bắt đầu mất thị phần ở Mỹ vì áp lực kiện chống bán phá giá.

Bên cạnh đó, trong số các mặt hàng nhập khẩu có trùng lặp với sản phẩm của công ty, từ tháng 7 đến tháng 9/2015 có khoảng 400.000 – 500.000 tấn thép Trung Quốc về Việt Nam. Trong khi tổng lượng nhập khẩu nửa đầu năm 2015 đạt hơn 624.000 tấn.

Điều này cho thấy lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong quý 3 tăng từ 30-50% và hoạt động phá giá sản phẩm thép của Trung Quốc là rất đáng quan ngại.

Ông Wong Chao – Tung bày tỏ, đơn vị này sẽ tiến hành thu thập các tài liệu cần thiết và nộp hồ sơ kiện lên Cục Quản lý cạnh tranh. Hy vọng rằng, có thể xây dựng được một hàng rào bảo vệ trước khi hàng nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Hiệp hội Thép đã tiến hành các biện pháp xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn các mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu giá rẻ nhập vào Việt Nam; đồng thời phân công doanh nghiệp đầu mối để phối hợp thực hiện khởi kiện mặt hàng tôn màu, tôn mạ kẽm...

Các doanh nghiệp có liên quan, nếu thấy phù hợp có thể cung cấp thông tin, hồ sơ để gửi Cục Quản lý cạnh tranh để có hướng dẫn kế hoạch cụ thể.

"Tuy nhiên, để cạnh tranh trong nước, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí để hạ giá thành..., làm sao có được sức cạnh tranh tốt nhất trước hàng giá rẻ Trung Quốc trong thời gian tới...

Về phía hiệp hội, sẽ tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp và Cục Quản lý cạnh tranh, tiến hành điều tra, thu thập tài liệu để thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định." - ông Sưa cho biết.

Tính chung 8 tháng năm 2015 các doanh nghiệp thành viên sản xuất hơn 8,9 triệu tấn thép, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2014; sản phẩm thép tiêu thụ cũng đạt gần 7,4 triệu tấn, tăng 17,7% so với cùng kỳ./.

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục