Nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo tại Việt Nam

18:58' - 09/01/2018
BNEWS Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo tại Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018.
Nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo tại Việt Nam. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Để kịp thời triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu một số bộ, ngành khẩn trương xây dựng và báo cáo một số Đề án liên quan.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Đề án quản lý thuế Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, mở rộng cơ sở thuế đối với kinh tế tư nhân theo chỉ đạo tại văn bản số 6372/VPCP-KTTH ngày 20/6/2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự tiêu,... theo chỉ đạo tại Thông báo số 475/TB-VPCP ngày 10/10/2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018.

Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2018 (1/1/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục