Người lao động được mua tối đa bao nhiêu cổ phần với giá ưu đãi?

17:08' - 16/03/2017
BNEWS Ngày 16/3 tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết, dự thảo này đã được trình Chính phủ nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nói riêng; đồng thời ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo dự thảo Nghị định, điểm mới đáng quan tâm đó là chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa.
Cụ thể, quy định được điều chỉnh theo hướng người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (bao gồm cả người lao động tại các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ - doanh nghiệp cấp II – chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác) sẽ được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần).
Phần giá trị ưu đãi này sẽ được trừ vào vốn nhà nước khi quyết toán và người lao động phải bỏ tiền để thanh toán 60% giá trị 1 cổ phần theo mệnh giá.
Đại diện ban soạn thảo Nghị định mới, ông Nguyễn Duy Long, Trưởng Phòng Tài chính doanh nghiệp, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phân tích, theo quy định hiện hành, chỉ người lao động tại công ty mẹ được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa công ty mẹ.

Thời gian qua, nhiều đơn vị đã tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước gồm cả các công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ sở hữu 100% vốn, nhưng người lao động tại các công ty con (mà chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác) lại không được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại công ty mẹ.
Trên thực tế, việc cổ phần hóa công ty mẹ không làm thay đổi loại hình doanh nghiệp tại các công ty TNHH một thành viên, nhưng về bản chất thì có sự thay đổi về chủ sở hữu, do đó việc điều chỉnh chính sách bán cổ phần cho người lao động không những nhằm đơn giản hóa thủ tục, mà còn góp phần tạo thuận lợi cho người lao động nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp sau cổ phần.
Ông Long cũng cho biết thêm, cùng với nội dung điều chỉnh chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa, còn có 5 điểm chính cơ bản khác cũng được điều chỉnh tại dự thảo nghị định mới.
Cụ thể là điều chỉnh quy định về tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hóa; việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa để đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước; phương pháp mới về cách thức bán cổ phần lần đầu và quy định về kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực, trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn… khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi doanh nghiệp./.

GENCO 1 cổ phần hóa theo lộ trình

GENCO 1 cổ phần hóa theo lộ trình

Rà soát toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
Rà soát toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục