Nhận diện thách thức đối với kinh tế năm 2018

12:40' - 25/01/2018
BNEWS Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế- Xã hội Quốc gia cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 chưa tạo được yếu tố bền vững cho năm 2018.
Triển vọng kinh tế 2018: Vững bước cải cách. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Sáng 25/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách” nhằm tập trung đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2017, từ đó nhận diện thách thức và tìm ra giải pháp đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2018.

Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam năm 2017, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng, năm 2017 được đánh giá là năm tương đối thành công của kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, cao hơn mức mục tiêu được đặt ra từ đầu năm; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với 7,85%; khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản thể hiện sức bật tốt hơn với mức tăng 2,9%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng ổn định đạt 7,4%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 đạt 3,53%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra là 4%. Tín dụng tăng trưởng đạt 18,17% và có sự ổn định. Thu hút FDI đạt gần 36 tỷ USD...

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, kết quả tăng trưởng năm 2017 đạt được một phần nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp…

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới ít nhiều còn bất định; tự do hóa thương mại đa phương gặp nhiều thách thức, do xu hướng bảo hộ và cách tiếp cận thương mại song phương dần phổ biến hơn; trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp; Việt Nam có thể phải phòng ngừa rủi ro dòng vốn nước ngoài đảo chiều, gây áp lực đối với tỷ giá và cán cân thanh toán.

Ngoài ra, rủi ro tụt hậu về công nghệ sẽ lớn hơn nếu Việt Nam không có các hành động cụ thể nhằm đón đầu cơ hội và xử lý thách thức từ cuộc khoa học công nghệ lần thứ tư; đồng thời, khả năng chống chịu trước các cú sốc bất lợi ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc chủ yếu vào dư địa chính sách tiền tệ, độ quyết liệt trong ứng phó của Việt Nam.

Từ nhận định trên, ông Nguyễn Anh Dương dự báo, tăng trưởng năm 2018 dự kiến đạt 6,58%, thấp hơn mức tăng trưởng 6,81% của năm 2017; tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dự thương mại ở mức 1,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2018 so với năm 2017 khoảng 3,74%.

Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế- Xã hội Quốc gia cũng cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 chưa tạo được yếu tố bền vững cho năm 2018. Nguyên nhân là do những chính sách thiếu ổn định, khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đồng tình với quan điểm trên, theo TS Lê Đăng Doanh- Nguyên Viện trưởng CIEM, nhiều doanh nghiệp vẫn cho biết, chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải bỏ ra không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên. Cùng với đó, tiến trình cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công còn nhiều hạn chế.

Năm 2018 được đánh giá là năm “bước ngoặt” của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội, song cũng là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Theo đó, để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ông Lê Đình Ân cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2018 là ổn định kinh tế vĩ mô. Để làm được điều này, Việt Nam cần tích cực hơn trong tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, ổn định doanh nghiệp đi đôi với quản trị doanh nghiệp, cần cử đại diện sở hữu vốn nhà nước trong các doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục