Nhiều rào cản phát triển điện Mặt Trời

09:17' - 19/03/2017
BNEWS Chi phí đầu tư và giá điện mặt trời trong thời gian gần đây đã giảm rất nhanh và vẫn còn tiếp tục giảm nhờ giá mô-đun giảm và hiệu suất tăng.

Điều này mở ra cơ hội để phát triển nguồn năng lượng mặt trời vô tận, góp phần giảm phát thải nhà kính, giảm tác động biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này thực tế vẫn còn vấp phải nhiều rào cản do thiếu quy hoạch phát triển, các quy chuẩn và cả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư.

Giàn năng lượng mặt trời tại Nhà máy điện An Hội. Ảnh: TTXVN

San sẻ trách nhiệm

Anh Nguyễn Phi Hùng, ở tại ngõ 433 phố Bạch Mai, Hà Nội, là một trong số rất ít người đã lắp đặt hệ thống máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời từ thời điểm xây nhà năm 2007.

Anh Hùng cho biết, ngày đó, anh mua cả bộ thiết bị khoảng hơn 15 triệu đồng và vào thời điểm đó giá khá cao. Lúc đó, anh cũng chưa thấy rõ về tính kinh tế mà nó mang lại, nhưng càng sử dụng, anh càng thấy tiết kiệm điện.

Nhất là vào mùa đông, mùa xuân, khi nhu cầu sử dụng nước nóng tăng cao, lượng điện tiêu thụ trong tháng có thể giảm tới 30-40%, do không phải dùng điện để chạy bình nóng lạnh.

Khảo sát cho thấy, giá thành các sản phẩm từ điện mặt trời như máy nước nóng, các thiết bị chiếu sáng, sạc điện có giá rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm những năm trước. Hiện giá một bộ máy nước nóng năng lượng mặt trời chỉ còn khoảng 5-8 triệu đồng.

Theo ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng Mặt trời đỏ, giá thiết bị điện mặt trời ngày càng rẻ đi. Cách đây 5 năm, giá tấm pin điện mặt trời từ 3-4 USD thì nay chỉ còn xấp xỉ từ0,5-0,55 USD.

Như vậy, giá đã giảm 800% so với trước và điện mặt trời dần sẽ không còn là quá xa xỉ với nhiều người. Cùng với đó, kỹ thuật, công nghệ điện mặt trời ngày càng phát triển; hiệu suất, mức độ an toàn, tuổi thọ hệ thống ngày càng nâng cao.

Có thể thấy tính lợi ích và kinh tế của việc sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng về lâu dài là khá tốt. Song trên thực tế, số lượng các hộ gia đình lắp đặt thiết bị này lại không đáng kể, chủ yếu tập trung ở các gia đình có thu nhập khá trở lên và cũng chỉ mới tiến hành lắp đặt trong thời gian gần đây.

Nhiều chuyên gia cho rằng, do thiếu các dự án điển hình thành công nên chưa có truyền thông phù hợp, đúng cách và đúng bản chất tới cộng đồng để tạo sự ủng hộ, đồng thuận nhằm xây dựng ý thức chung của quốc gia trong sử dụng các thiết bị năng lượng mặt trời.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Nhóm công tác Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) cho hay, nhà nước đã có nhiều chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng như thúc đẩy sự phát triển năng lượng sạch nhưng dường như câu chuyện về “điện” vẫn bị coi là “chuyện riêng” của ngành điện và Bộ Công Thương.

Tấm thu năng lượng Mặt trời hiện đã được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng thế giới. Ảnh minh họa: pinsolar.net

Các công trình xây dựng, các dự án đầu tư có yếu tố xây dựng mới hầu như không áp quy định nào về mức tiêu thụ điện năng hoặc định mức sử dụng năng lượng sạch dẫn tới tình trạng sử dụng tràn lan nguồn điện quốc gia và bỏ qua việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cấp trung ương – địa phương còn yếu. Trung ương ban hành chính sách để “đẩy” năng lượng mặt trời phát triển nhưng cấp thực thi vẫn cho phép lắp đặt các trạm biến áp công suất cực lớn, các thiết bị không có yếu tố tiết kiệm điện thay vì khuyến khích các chủ dự án và người dân san sẻ một phần trách nhiệm với nhà nước bằng việc ứng dụng năng lượng sạch.

Ông Sơn khẳng định, hoạt động khai thác, phát triển năng lượng mặt trời sẽ hạn chế nếu không có sự tham gia của cộng đồng với tư cách là thành phần sử dụng năng lượng chính, đồng thời là người tham gia đầu tư, triển khai các giải pháp, các chính sách năng lượng mặt trời.

Cùng quan điểm trên, đại diện Tập đoàn Sơn Hà cho hay, với các dự án năng lượng mặt trời, chi phí đầu tư cao nhưng lại chưa thấy “đầu ra”, lợi ích rõ ràng ngay, làm cản trở ý định đầu tư.

Bên cạnh đó, ở các dự án có vốn lớn, triển khai diện rộng, doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn vay nếu không có sự can thiệp của Chính phủ.

Các ưu đãi hiện đang áp dụng chưa đủ sức giúp doanh nghiệp đầu tư hoàn vốn; thủ tục ưu đãi phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng còn phức tạp, kéo dài và tốn kém thời gian, sức lực, chi phí cho các nỗ lực khai thác ưu đãi này.

“Chìa khóa” để phát triển

Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tỷ lệ thâm nhập của điện mặt trời được dự kiến đạt 0,5%, 6% và 20% vào các năm 2020, 2030 và 2050.

Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, ông Lê Vĩnh Sơn kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cần xây dựng chính sách hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư sản xuất và sử dụng các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời; đặc biệt là khuyến khích tăng tỷ lệ “nội địa hoá” trong sản xuất, sử dụng các phương tiện, thiết bị này để có giá thành rẻ hơn nữa.

Ngoài ra, cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, công bố quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời và công bố giá mua – bán điện năng lượng mặt trời hợp lý; cơ chế hoà lưới điện quốc gia cho các doanh nghiệp/hộ dân sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời.

Ngoài các dự án điện nối lưới và điện mặt trời trên mái nhà cần xem xét bổ sung cả cơ chế mua-bán, quy đổi điện với các hộ dân lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời có tích tụ dư thừa điện.

Theo bà Trần Thị Thu Trà, Ban Quản lý đầu tư Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc đấu nối điện mặt trời về cơ bản làm tăng chi phí cho đơn vị truyền tải, phân phối.

Các dự án điện mặt trời quy mô lớn thường được lắp đặt tại các vị trí xa trung tâm phụ tải, phần lớn không tận dụng được lưới điện địa phương. Chi phí đầu tư đấu nối sẽ lớn nhưng số giờ sử dụng công suất cực đại thấp, chỉ bằng 1/3 so với nhiệt điện truyền thống.

Do vậy, để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch vô tận này cần thiết phải có các chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ cho đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng điện năng và an ninh năng lượng cũng như đơn vị truyền tải/phân phối điện năng do các vấn đề về đầu tư và vận hành.

Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết, khảo sát đến hết quý III/2016, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai Dự án phát triển thử nghiệm điện mặt trời nối lưới hộ gia đình với nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Thành phố hỗ trợ 2.000 đồng/kWh điện mặt trời phát lên lưới và đến nay đã lắp đặt được gần 10 hệ nguồn.

Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu các chính sách về năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng. Do vậy, Chính phủ cần xây dựng và thực hiện sớm các Quy chuẩn điện mặt trời nối lưới, xây dựng và thực hiện Luật nối lưới cho các nguồn năng lượng tái tạo; quy định giá mua bán điện hợp lý, đồng thời có chính sách hỗ trợ về giá cho phù hợp, hiệp hội cũng kiến nghị.

>>>Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án điện mặt trời tỉnh Quảng Bình

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục