Trang trại năng lượng Mặt Trời lớn nhất Australia hòa vào lưới điện quốc gia

11:13' - 16/12/2016
BNEWS Trang trại năng lượng Mặt Trời lớn nhất bang Queensland đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia và sẽ cung cấp đủ năng lượng điện cho gần 10.000 hộ gia đình vào cuối năm 2016.
Trang trại năng lượng Mặt Trời lớn nhất Australia hòa vào lưới điện quốc gia. Ảnh: The Guardian

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng tái tạo Australia (ARENA) ông Ivor Frischknecht cho biết ngày 14/12 vừa qua trang trại năng lượng Mặt Trời với 78.000 tấm pin ở vùng nông thôn hẻo lánh Barcaldine, phía Tây bang Queensland đã hòa vào thị trường điện quốc gia, sớm hơn một tháng so với dự kiến.

Việc nhà máy điện Barcaldine với công suất 20 MW sớm đi vào hoạt động là bằng chứng cho thấy tốc độ và trình độ của các nhà phát triển năng lượng Mặt Trời.

Theo ông Frischknecht, từ nay đến cuối năm 2017 sẽ có 12 trang trại năng lượng Mặt Trời quy mô lớn được xây dựng trên khắp đất nước Australia, bao gồm sáu trang trại năng lượng Mặt Trời ở bang Queensland ở bang New South Wales và một ở bang Tây Australia, sẽ nâng khả năng cung cấp điện đủ cho khoảng 150.000 hộ gia đình.

Ông Frischknecht khẳng định đây sẽ là thành quả từ một chương trình tài trợ của Arena nhằm “mở khóa gần 1 tỷ AUD (khoảng 735,7 triệu USD) trong đầu tư thương mại và thúc đẩy kinh tế của các bang”.

Nhà phát triển trang trại năng lượng Mặt Trời Barcaldine, Elecnor - một trong những đối tác Tây Ban Nha đầu tư vào năng lượng Mặt Trời của Australia - là một tập đoàn xuyên quốc gia chuyên về dầu khí, đường sắt, hàng không vũ trụ...

Theo Công ty Tài chính năng lượng sạch, tập đoàn Elecnor được phía ARENA cung cấp 22,8 triệu AUD theo các cam kết tài trợ và 20 triệu AUD vay từ “ngân hàng xanh” của chính phủ liên bang.

Hiện tại, các nhà máy điện quốc gia phần lớn là đốt than - trừ bang Tây Australia và vùng lãnh thổ phía Bắc - có tổng công suất 45.000 MW, cung cấp 200 triệu MWh một năm cho 9 triệu khách hàng.

Các nhà máy điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch này là nguồn gây ô nhiễm các-bon lớn nhất ở Australia, chiếm 35,4% tổng lượng phát thải (186 triệu tấn CO2) trong năm 2014.

>>> Nhà kính trồng cà chua sử dụng năng lượng Mặt Trời và nước biển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục