Những cảnh báo đáng lo ngại nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C

06:03' - 23/04/2016
BNEWS Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C, nguy cơ các vụ mùa mất trắng, gây thiếu nước trầm trọng và tạo sóng nhiệt tại nhiều khu vực sẽ tăng gấp đôi so với nhiệt độ chỉ tăng 1,5 độ C.
Những cảnh báo đáng lo ngại nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C. Ảnh: mcgill.ca

Đó là nghiên cứu được đăng tải ngày 21/4 trên tạp chí Earth System Dynamics của Hiệp hội các nhà khoa học địa chất châu Âu.

Nghiên cứu trên nhấn mạnh với viễn cảnh 2 độ C, các tác động tiêu cực sẽ ngày càng lan ra trên diện rộng tại 11 “điểm nóng” khác nhau do biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, tại Địa Trung Hải, viễn cảnh trên được dự đoán sẽ khiến nguồn cung cá tươi sống của khu vực này giảm tới 20% so với cuối thế kỷ 20 - thiệt hại gấp 2 lần so với nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng 1,5 độ C, mức mục tiêu chung của thế giới.

Trong khi đó, tại các khu vực nhiệt đới, viễn cảnh này sẽ làm tăng gấp 2 lần tình trạng mất mùa đối với các cây lương thực, đồng thời cũng khiến các hiện tượng cực đoan xuất hiện nhiều hơn.

Cũng theo nghiên cứu trên, việc nhiệt độ tăng chênh lệch thêm 0,5 độ C còn khiến mực nước trung bình tại các đại dương tăng thêm 10 cm, đe dọa tới sự an nguy của hàng chục quốc đảo nhỏ và các khu vực đồng bằng châu thổ trũng thấp có mật độ dân cư đông.

Trong khi đó, nhóm các nhà khoa học châu Âu tiến hành nghiên cứu phát hiện ra rằng việc Trái Đất nóng lên 1,5 độ C cũng đe dọa hệ sinh thái tại các rạn san hô, khiến chúng khó có khả năng thích nghi với các vùng biển nóng hơn và nhiều axít hơn.

Còn nếu vào cuối thế kỷ 21 này,nếu nhiệt độ Trái Đất nhích thêm 0,5 độ C nữa so với "kịch bản tăng thêm 1,5 độ C", thì tất cả các rạn san hô trên thế giới – nơi trú ẩn an toàn cho khoảng 25% sinh vật hoang dã trên đại dương - đều đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Hồi tuần trước, các nhà khoa học Australia còn công bố một nghiên cứu cho thấy 93% diện tích Rạn san hô Great Barrier ở nước này đã bị tẩy trắng do dư lượng axit trong nước biển cao.

Nhiều nhà khoa học lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng với thực trạng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch cao như hiện nay, nhiệt độ Trái Đất sẽ không chỉ tăng lên mức 1,5 độ hay 2 độ C mà thậm chí có nguy cơ tăng lên mức 4 độ C hoặc cao hơn nữa.

Dù ở bất kỳ viễn cảnh nào, nhân loại cũng sẽ phải đương đầu với thách thức tìm câu trả lời cho bài toán nan giải làm mát hành tinh bằng cách loại bỏ bớt lượng khí thải CO2 ra khỏi bầu khí quyển mà các công nghệ hiện tại chưa cho phép con người có thể làm được điều đó trên quy mô toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục