Những điều doanh nghiệp xuất khẩu cần biết để tiếp cận vốn vay

15:39' - 28/07/2017
BNEWS Việc doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được với khoản vay chính thức từ ngân hàng nên hơn 70% doanh nghiệp trong số này phải tìm đến khoản vay phi chính thức.
Những điều doanh nghiệp xuất khẩu cần biết để tiếp cận vốn vay. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong bối cảnh tự do thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên do chưa chuyên nghiệp hóa trong sản xuất kinh doanh nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về huy động vốn phục vụ xuất nhập khẩu.

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia hội thảo "Doanh nghiệp xuất khẩu và những điều cần biết để tiếp cận vốn và hình thức thanh toán từ ngân hàng", do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28/7.

Thống kê cả nước có khoảng hơn 700.000 doanh nghiệp; trong đó, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm gần 98% với doanh thu 100 tỷ đồng trở xuống. Trong số này, 70% là doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng trở xuống. Dù chiếm số lượng nhiều nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp tư nhân chưa được nhiều ngân hàng hỗ trợ và "mở cửa" để tiếp cận nguồn vốn vay.

Việc doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được với khoản vay chính thức từ ngân hàng nên hơn 70% doanh nghiệp trong số này phải tìm đến khoản vay phi chính thức.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm SME Phú Mỹ Hưng, Khối SME, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) cho rằng, điểm yếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa là khâu quản trị tài chính, nguồn vốn tài sản chưa được đầu tư đúng mức và chuyên nghiệp để các ngân hàng có thể thẩm định.

Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được chú trọng dựa trên những bộ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiếp cận vay vốn.

Để hỗ trợ thông tin kinh doanh và xuất khẩu, đặc biệt giúp doanh nghiệp tiếp cận được dịch vụ tài chính thương mại, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, đồng thời là Giám đốc Quốc gia Chương trình "Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương", cho biết, thời gian qua, Ban Quản lý Chương trình phối hợp với VP Bank, đối tác địa phương hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và đối tác thông tin sản xuất kinh doanh; đồng thời, khảo sát nhu cầu doanh nghiệp cũng như thị trường để kết nối thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương” do Chính phủ Thụy Sỹ (SECO) tài trợ.

Chương trình này được triển khai tầm quốc gia, tập trung vào một số tỉnh, thành cả nước được lựa chọn theo các tiêu chí như năng lực xúc tiến thương mại, tiềm năng phát triển xuất khẩu bền vững…

>>>Gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục