Gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân

19:12' - 26/07/2017
BNEWS Ngày 26/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân”.
Tọa đàm "Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân". Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tại tọa đàm, những nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hay doanh nghiệp cần phải làm gì để tiếp cận được nguồn vốn đã được đại diện Ngân hàng Nhà nước, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng chuyên gia kinh tế đưa ra thảo luận.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp gỡ khó về tiếp cần vốn cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng theo một điều tra mới đây của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 30-40%.

Theo ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, có 3 lý do doanh nghiệp không tiếp cận vốn vay.

Đó là, bản thân doanh nghiệp đã có vốn và chưa có chiến lược đầu tư dài hạn nên thường tự hài lòng với nguồn vốn của chính mình; lãi suất vay vốn tuy đã giảm song vẫn còn cao đối với doanh nghiệp; doanh nghiệp muốn vay nhưng không đủ điều kiện vay vốn, như: điều kiện thế chấp, không có dự án tốt, không tạo được lòng tin với ngân hàng…

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khi doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh nhưng không tiếp cận được nguồn vốn đồng nghĩa vơi việc giảm cơ hội tăng trưởng cho nền kinh tế.

Ông Tô Hoài Nam cho rằng, gần 70% doanh nghiệp không tiếp cận được vốn là cái ngưỡng đã duy trì nhiều năm qua nhưng nay vẫn chưa vượt được.

98% doanh nghiệp tư nhân trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi không tiếp cận được vốn họ thường tích lũy trong quá trình kinh doanh hoặc vay của người khác.

Đây là 2 kênh truyền thống và không bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu vốn. Với kênh vay ở ngoài quá rủi ro và lãi suất quá cao. Bởi vậy doanh nghiệp không tăng trưởng được một phần do không tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Phong cũng đánh giá, khi doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, ảnh hưởng trực tiếp trước hết là doanh nghiệp và ngân hàng.

Doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất, đổi mới kỹ thuật… và sẽ ngày càng bị thu hẹp. Rộng hơn là nền kinh tế rất khó tái cơ cấu, giảm sức cạnh tranh và khó có sự tăng tốc trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu hiện nay.

Về phía ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận kinh doanh từ nguồn vốn cho vay doanh nghiệp tư nhân.

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc cho vay các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trong cho vay khu vực kinh tế tư nhân luôn tăng trưởng trong 3 năm gần đây.

Nhưng lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chỉ ra, chủ yếu do bản thân năng lực quản trị của doanh nghiệp, khả năng tài chính còn hạn chế, không công khai minh bạch.

Ông Tô Hoài Nam cũng đánh giá, ngân hàng không thiếu vốn nhưng thiếu niềm tin đối với các doanh nghiệp.

Hạn chế lớn của doanh nghiệp là không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh; phương án vay vốn có sức thuyết phục không cao, không rõ ràng; gặp cản trở về việc phải đáp ứng báo cáo tài chính theo bản chuẩn của ngân hàng; một số dự án có vốn đối ứng thấp, tài sản thế chất hạn chế…

Tuy nhiên theo ông Nam, vẫn thấy sự quá thận trọng của ngân hàng, chưa có sự đột phá trong chính sách. Thậm chí một số ngân hàng còn e sợ trong hình sự hóa.

Để tháo gỡ vấn đề này, ông Nam cho rằng, ngân hàng phải thay đổi triệt để tư duy, trong 70% doanh nghiệp đó lọc lấy 10-20% doanh nghiệp tiềm năng.

Đồng thời thiết kế lại điều kiện để cho doanh nghiệp vay vốn. Muốn thiết kế chuẩn thì ngân hàng phải tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục những hạn chế như: báo cáo tài chính kinh doanh, phương án kinh doanh… Cho vay dựa vào tín nhiệm của doanh nghiệp.

“ Lãi suất thấp là vấn đề doanh nghiệp rất cần nhưng doanh nghiệp vẫn cần hơn cả là được cho vay trung và dài hạn; cần được tiếp cận nhiều hơn đối với tài sản được hình thành từ vốn vay”, ông Nam cho hay.

Theo ông Nguyễn Minh Phong, cần thực hiện tốt việc cho vay theo chuỗi, ngay cả cho tín chấp hay các loại cho vay khác nên lấy điểm này làm trọng tâm vì ngân hàng sẽ đảm bảo được đầu ra.

Doanh nghiệp cũng nên mạnh dạn liên kết với nhau, tham gia vào chuỗi để doanh nghiệp lớn lên và khẳng định điều kiện được vay.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tự huy động vốn qua nhiều kênh, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Cổ phần hóa là một trong những cách để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn.

Ngoài ra, các quỹ cũng phải thay đổi phương thức để doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn.

Ông Trần Văn Tần cho biết, thời gian tới ngành ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đã và có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, việc cho vay không có tài sản đảm bảo đi liền với việc nâng cao trình độ thẩm định của nhân viên tín dụng, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, doanh nghiệp cũng phải chủ động đưa ra các sản phẩm sản xuất, kinh doanh đặc thù…/.

Xem thêm:

>>>Doanh nghiệp tư nhân vẫn "dựa dẫm" vào vốn vay

>>>Khép lại khoảng cách kết nối doanh nghiệp FDI và tư nhân trong nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục