OECD cảnh báo hậu quả kinh tế nếu Anh rời khỏi EU

09:58' - 04/03/2016
BNEWS OECD cảnh báo nền kinh tế của EU nói chung và nền kinh tế Anh nói riêng sẽ phải chịu nhiều hậu quả nặng nề nếu quốc gia này rời khỏi EU.
OECD cảnh báo hậu quả kinh tế nếu Anh rời khỏi EU. Ảnh: eastlibdems

Ngày 3/3, Phó Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Stefan Kapferer cảnh báo nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và nền kinh tế Anh nói riêng sẽ phải chịu nhiều hậu quả nặng nề nếu quốc gia này rời khỏi EU.

Phát biểu nhân chuyến công tác tới Hà Lan, ông Kapferer cho rằng việc người dân Anh quyết định rời "ngôi nhà chung" trước tiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi thế chính về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ của toàn khối.

Ngoài ra, sẽ có hàng loạt những bất ổn nảy sinh khi Anh "dứt áo ra đi" trong giai đoạn các nền kinh tế thành viên đang gặp nhiều khó khăn.

Theo OECD, EU là thị trường quan trọng đối với Anh, các quốc gia EU chiếm tới 53% thị trường nhập khẩu và 48% thị trường xuất khẩu của Anh.

Một trong các đối tác chính của Anh là Đức, quốc gia chiếm tới 12,3% tổng kim ngạch thương mại của "xứ sở sương mù". Tiếp sau đó là Mỹ với 9,5%, rồi đến Hà Lan với 7,5%, Trung Quốc 7,3% và Pháp với 5,9%.

Thêm vào đó, nhiều công ty đa quốc gia hiện có trụ sở tại Anh cũng sẽ phải tính đến phương án di dời trụ sở tới các quốc gia khác thuộc EU để được hưởng những lợi thế về tự do thương mại của toàn khối.

OECD cũng cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán về những tác động của Brexit đối với lĩnh vực tài chính và các chi nhánh của các tổ chức tài chính.

Bên cạnh những hậu quả về kinh tế, cùng ngày, Tổng thống Pháp Francoise Hollande François Hollande cũng lên tiếng cảnh báo về những hậu quả trực tiếp từ cuộc khủng hoảng di cư nếu Anh ra đi.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh David Cameron, ông Hollande nhấn mạnh việc Anh rời khỏi liên minh sẽ không chỉ dẫn tới nhiều hậu quả không lường về kinh tế - tài chính mà còn gây ra nhiều tác động tiêu cực về mặt con người, đặc biệt là trong vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Trước đó, ngày 2/3, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron cũng đã cảnh báo rằng nước này sẽ không ngăn chặn người di cư ở thành phố cảng Calais trốn sang Anh và sẽ kêu gọi các ngân hàng chuyển dời trụ sở từ Anh sang Pháp, trong trường hợp "xứ sở sương mù" ra đi.

Theo kế hoạch, Anh sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề "đi hay ở lại" EU vào ngày 23/6 tới. Kết quả cuộc thăm dò mới nhất sau khi Thủ tướng Cameron công bố thời điểm trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU cho thấy tỉ lệ ủng hộ ở lại liên minh này cao hơn tỉ lệ muốn rời đi 15%.

Tuy nhiên, vẫn còn một tỉ lệ khá cao chưa quyết định và đây chính là nhóm có thể làm thay đổi kết quả cuộc trưng cầu ý dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục