OPEC có thể duy trì sản lượng tương đương với mức đầu năm 2016

12:35' - 15/04/2016
BNEWS Bộ trưởng Năng lượng Algeria Khebri Salah nhận định giá dầu thô có thể ổn định nếu các nước sản xuất dầu mỏ cam kết duy trì sản lượng dầu thô ngang bằng mức dầu khai thác trong tháng 1/2016.
OPEC có thể duy trì sản lượng tương đương với mức đầu năm 2016. Nguồn: Reuters

Cuộc họp giữa các quốc gia sản xuất dầu mỏ trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), dự kiến tổ chức tại thủ đô Doha của Qatar vào ngày 17/4 tới sẽ tập trung thảo luận về sản lượng và hạn ngạch xuất khẩu của các nước thành viên OPEC, và tìm kiếm sự thống nhất về mục tiêu của OPEC là duy trì sản lượng khai thác dầu thô tương đương với mức khai thác tháng 1/2016.

Đây là cuộc họp rất quan trọng nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về "đóng băng" sản lượng để tạo thuận lợi cho thị trường "ấm" lên và hỗ trợ sự phục hồi giá dầu mỏ thế giới trong thời gian tới.

Bộ trưởng Năng lượng Algeria, Khebri Salah ngày 14/4 cho biết vấn đề khó khăn nhất hiện nay là một số nước thành viên OPEC và ngoài OPEC từ chối cắt giảm sản lượng với những mục đích riêng của họ.

Theo ông Khebri, giá dầu thô có thể ổn định, ít nhất ở quanh mức 40 USD/thùng, nếu các nước sản xuất dầu mỏ cam kết duy trì sản lượng dầu thô ngang bằng mức dầu khai thác trong tháng 1/2016.

Về khả năng giảm sản xuất để hỗ trợ giá dầu, một số nước sản xuất dầu mỏ lớn như Saudi Arabia, Iran, Nga.., .đã không chấp nhận sự lựa chọn này.

Bộ trưởng Năng lượng Algeria Khebri Salah nêu rõ trước đó, Iran đã kiên quyết từ chối không tham gia thỏa thuận "đóng băng" sản lượng, do vậy mục tiêu của Hội nghị Doha lần này là tìm kiếm và vận động để các quan điểm xích lại gần nhau.

Theo báo cáo tháng 4/2016 của OPEC, trong tháng Ba, giá dầu trên thế giới đã tăng hơn 20% so với mức thấp kỷ lục hồi giữa năm 2014 trong 12 năm qua. Việc giá dầu tăng lên là do thị trường kỳ vọng cuộc họp giữa các nước sản xuất dầu chủ chốt của thế giới dự kiến diễn ra ngày 17/4 tới tại Doha sẽ đi đến thỏa thuận “đóng băng” sản lượng dầu mỏ.

Việc “ông lớn” Saudi Arabia vẫn duy trì sản lượng trong tháng Ba ở mức 10,22 triệu thùng dầu/ngày cũng cho thấy Riyadh rất nghiêm túc về đề xuất trên.

Tất cả các nhà sản xuất dầu, không chỉ là 13 thành viên OPEC mà cả những nước ngoài OPEC như Nga, đều chịu sức ép của việc giá dầu giảm 60% kể từ giữa năm 2014.

Về mặt lý thuyết, nếu cuộc họp tại Qatar đạt được thỏa thuận nhằm khống chế mức dầu xuất ra thị trường, tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ giảm bớt giúp đẩy giá bán dầu tăng, cải thiện nguồn tài chính của các nước sản xuất dầu. Tuy nhiên, hiện chưa có gì đảm bảo đề xuất “đóng băng” sản lượng sẽ được thông qua tại cuộc họp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục