Phái yếu ngày càng "mạnh" trên mặt trận làm giàu

20:30' - 01/01/2016
BNEWS Số tỷ phú nữ trên thế giới tăng gần 7 lần trong 20 năm qua, so với mức tăng khiêm tốn 5,2% của nam giới.
Elizabeth Holmes - Nữ tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ. Ảnh: Forbes

Đây là kết quả nghiên cứu phối hợp thực hiện giữa ngân hàng UBS của Thụy Sỹ và hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) mới công bố.

Theo nghiên cứu trên, trong tổng cộng 1.347 tỷ phú trên toàn thế giới tính đến cuối năm 2014, 145 người trong số này là nữ, tăng 6,6 lần so với con số 22 người trong năm 1995. Trị giá tài sản bình quân của một nữ tỷ phú cũng tăng gần gấp đôi, đạt 4,3 tỷ USD, cao hơn mức 4 tỷ USD của các tỷ phú nam.

Tại châu Á, số lượng nữ tỷ phú gia tăng với tốc độ “chóng mặt” hơn. Năm 1995, cả châu Á chỉ có ba nữ tỷ phú. 20 năm sau, con số này đã tăng hơn tám lần, lên 25 người.

Theo nghiên cứu, ít nhất 50% phụ nữ giàu nhất ở châu Á là làm giàu tự thân, hưởng nền giáo dục tại châu Âu hoặc Mỹ trước khi hồi hương làm giàu. Trong khi đó, số lượng này ở châu Âu và Mỹ lại rất ít ỏi, chỉ ở mức lần lượt 7% và 19%. Đa số các nữ tỷ phú người châu Âu và Mỹ trở nên giàu có là nhờ được hưởng thừa kế.

Cũng trong một thống kê cập nhật nhất, tại hai cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, theo khảo sát thường niên của tạp chí Hurun Report, số tỷ phú ở Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt qua Mỹ, cho dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang tăng trưởng chậm lại.

Trung Quốc hiện có 596 tỷ phú, tăng mạnh so với số tỷ phú trong năm 2014, và cao hơn con số 537 tỷ phú của Mỹ. Theo ông Rupert Hoogewerf, chủ tịch tạp chí Hurun Report có trụ sở tại Thượng Hải, số tỷ phú của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay.    

“Ông trùm” bất động sản và dịch vụ giải trí Wang Jianlin đã “qua mặt” Jack Ma. Ảnh: Forbes

“Ông trùm” bất động sản và dịch vụ giải trí Wang Jianlin đã “qua mặt” Jack Ma, nhà sáng lập doanh nghiệp thương mại điện tử Alibaba, để trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Wang Jianlin, nhà sáng lập tập đoàn Wanda, chứng kiến giá trị tài sản của ông tăng hơn 50% lên 34,4 tỷ USD.

Còn tại Việt Nam, theo Báo cáo Thịnh vượng 2015 vừa được hãng nghiên cứu Knight Frank công bố, Việt Nam năm 2014 có 116 người siêu giàu, tăng sáu người so với năm 2013.

Knight Frank cũng dự báo, trong một thập niên tới, Việt Nam là quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới, lên 300 người. Theo định nghĩa của Knight Frank, giới siêu giàu gồm những cá nhân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên.

Nhận định về “hiện tượng” này, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết đây là một trong những dấu hiệu khá ấn tượng, đánh dấu thời điểm Việt Nam có mặt trong các thương vụ của thế giới.

Giới chuyên gia nhận định rằng môi trường của Việt Nam đã khá cởi mở, đặc biệt là với các nhà đầu tư tư nhân, trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh cũng như tôn trọng, bảo vệ, thậm chí tôn vinh những người biết làm giàu một cách hợp pháp.

Trong báo cáo cập nhật công bố đầu tháng này, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2015 đạt 6,5% nhờ tiêu thụ nội địa và đầu tư gia tăng. Đây là “nền tảng vững chắc cho tăng trưởng trong trung hạn” đối với Việt Nam.

Cũng trong năm nay, Việt Nam đã cùng với 11 quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương kết thúc đàm phán về TPP. Nhờ đó, Việt Nam sẽ tham gia thị trường rộng lớn ước chiếm tới 40% GDP toàn cầu, nơi các rào cản giao thương đang từng bước được xóa bỏ.

Việt Nam là một trong 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - tổ chức vừa chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN: một khu vực với hơn 600 triệu dân và sản lượng kinh tế khoảng 2.600 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục