Phát triển ngành thủy sản Khánh Hòa - Bài 1: Đa dạng nguồn giống

12:34' - 03/06/2018
BNEWS Khánh Hòa đang tập trung đầu tư phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng từ con giống đến thủy sản thương phẩm.

Phát triển kinh tế biển; trong đó ngành thủy sản có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Thời gian qua cùng với việc khai thác và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung đầu tư phát triển ngành nuôi trồng thủy sản toàn diện, bền vững, tập trung. Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng từ con giống đến thủy sản thương phẩm, phục vụ cho xuất khẩu và du lịch.

Bài 1: Đa dạng nguồn giống thủy sản

Khánh Hòa có chiều dài bờ biển hơn 385km với hơn 200 đảo lớn nhỏ nên hình thức nuôi thủy sản, đối tượng nuôi… rất đa dạng. Ảnh: TTXVN

Theo Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, tỷ trọng ngành thủy sản chiếm khoảng 57% - 59% của cơ cấu ngành nông nghiệp, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 566 triệu USD, tăng trưởng bình quân khoảng 3% – 4 %/năm. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực triển khai các hoạt động nuôi trồng – khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.

Khánh Hòa có chiều dài bờ biển hơn 385km với hơn 200 đảo lớn nhỏ nên hình thức nuôi, đối tượng nuôi… rất đa dạng. Cộng thêm điều kiện thiên nhiên ưu đãi tốt như: độ mặn cao và ổn định quanh năm nên diện tích nuôi trồng và sản lượng khá cao.

Từ đầu năm đến nay, ước tính tỉnh đã thả nuôi hơn 3,2 tỷ con giống chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, ngoài ra còn đa dạng một số đối tượng khác như ốc hương, tu hài, cua, hải sâm, tôm hùm với diện tích khoảng 935,9 ha ….Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của tỉnh khoảng hơn 1 tỷ USD; trong đó, ngành nuôi trồng thủy sản chiếm 40%.

Với 3 cơ sở sản xuất giống rộng khoảng 22 ha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phượng Hải (thành phố Nha Trang) không ngừng nghiên cứu và tìm ra nhân giống các loại cá biển mới. Trước đó, doanh nghiệp đã sản xuất 13 loại giống cá biển khác nhau nhưng do bão năm ngoái nên năm nay đơn vị chỉ còn 7 loài và hiện đang cung cấp giống cho bà con ở trong và ngoài tỉnh.

Năm 2017 đơn vị đã nhân giống thành công khoảng 400.000 con cá khế vằn (hay còn gọi là cá bè vàng) đạt kích cỡ 4 – 6 cm và xuất bán đi nhiều nơi, góp phần làm đa dạng nguồn cá biển giống.

Không chỉ ở các doanh nghiệp tư nhân mà ở các viện nghiên cứu, trường học trên địa bàn tỉnh cũng tập trung nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cho nông dân. Hàng năm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III đều có các nghiên cứu thành công và được đưa vào thực tế các loại giống có giá trị kinh tế cao như: ốc hương, trai, sò huyết, cá biển, ghẹ xanh, rong biển…

Riêng đối với giống tôm hùm, một loài thủy sản chủ lực nuôi trồng ven biển miền Trung nói chung và Khánh Hòa nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn thu nhập cho người dân, giúp chuyển đổi khai thác ven bờ làm nguồn lợi cạn kiệt sang nuôi trồng.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III Đào Văn Trí cho biết, Việt Nam vẫn chưa tự nhân giống được, nguồn tôm hùm giống cung cấp cho nuôi thương phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác tự nhiên.

Hiện tại, Viện đang thực hiện theo định hướng chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiếp tục nghiên cứu dự án nhân giống nhân tạo tôm hùm được triển khai trước đó. Đây là một dự án dài hơi của ngành và cần có thời gian để khẳng định kết quả.

Trong khoảng thời gian này, người dân Khánh Hòa đã tận dụng điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển, trọng tâm là các loại hải sản có giá trị kinh tế cao mà không nhiều địa phương ven biển có được.

Với 3 khu vực phát triển trọng điểm nghề nuôi trồng thủy sản: Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh – nơi có nước sâu, kín gió do hệ thống đảo ven bờ che chắn, khí hậu ôn hòa, ít có bão nên rất phù hợp cho việc nuôi thủy sản lồng, bè như: tôm hùm, cá mú, cá bớp, cá chim.

Tiếp giáp với đầm, vịnh là các vùng ao, đìa hai đầm Nha Phu và Thủy Triều rộng lớn với khoảng 6.000 ha, thuận lợi cho nuôi các đối tượng nước mặn, nước lợ như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương...

Tuy nhiên, do việc nuôi trồng không có quy hoạch hoặc theo quy hoạch nhưng vượt mật độ cho phép đã gây nên thiệt hại lớn cho nông dân, sau bão số 12 đến nay ước tính thiệt hại khoảng 6.100 tỷ đồng.

Ngay sau bão năm ngoái, UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhanh chóng ban hành Quy định tạm thời đối với các vùng nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên biển

Các vùng nuôi nằm trong quy hoạch cần phải sử dụng công nghệ hiện đại để nuôi trồng. Hạn chế vùng nuôi và vật liệu làm lồng, bè phải chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu với môi trường sóng, gió; khoảng cách tối thiểu giữa các bè là 50 m; khuyến khích, ưu tiên sử dụng vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE.

Gần đây nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, để tái cơ cấu lại ngành thủy sản địa phương. Theo đó, đến năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh chỉ còn 3.575 ha, giảm 7,3%/năm. Đến năm 2025 tiếp tục giảm diện tích nuôi trồng xuống còn 3.457 ha nhưng tăng sản lượng lên 18.500 tấn.

Ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc nuôi trồng thủy sản có quy hoạch, tiêu chuẩn kĩ thuật cao sẽ giúp cho người dân giảm bớt thiệt hại khi có thiên tai xảy ra; đồng thời phù hợp với định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mặc dù tỉnh chủ trương giảm diện tích nuôi trồng thủy sản thay vào đó, người dân đầu tư kỹ thuật, công nghệ mới vào nuôi trồng, phát triển nuôi biển nên sản lượng nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn này vẫn tăng.

Tiến sỹ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho rằng, trong nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa cần chú ý đến công nghệ nuôi mới, cụ thể là nuôi xa bờ với hệ thống lồng hiện đại có thể hạ sâu xuống tầng giữa vào mùa mưa bão, nuôi trong bể trên đất liền, nuôi đáy và nuôi lồng chìm, nhằm giảm áp lực nuôi ven bờ. Có như vậy, thiệt hại khi có thiên tai mới giảm xuống, ngành nuôi trồng mới bền vững.

Còn theo Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa, xây dựng vùng nuôi trọng điểm, nuôi các đối tượng chủ lực và ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp tạo ra các loại thủy sản tăng thêm chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc như hiện nay./.

Bài 2: Hướng tới khai thác xa bờ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục